Chứng thận âm, thận dương đều hư

Theo Đông y “Chứng thận âm, thận dương đều hư thường có mối quan hệ về cơ chế bệnh. Do thận dương hư bệnh phát triển làm liên lụy đến thận âm, dẫn đến thận âm và thận dương đều hư.
Ngược lại do thận âm hư điều trị không dứt điểm làm thận dương cũng hư theo. Dương hư thì sợ lạnh. Âm hư thì lòng bàn tay bàn chân nóng, miệng khô, họng ráo khát nước. Do thận quản lí về đại tiểu tiện, khi chân nguyên hư thì tiểu tiện trong mà dài, nam giới thì mắc chứng di tinh, hoạt tinh, dương nuy, phụ nữ thì mắc chứng không thụ thai, mạch bộ xích trầm tế”.
Nguyên nhân bệnh: Chứng thận âm, thận dương đều hư là do nguyên dương ở thận bất túc, âm tinh suy tổn, không đủ khả năng sưởi ấm, nhu dưỡng các tạng phủ, kinh lạc mà sinh bệnh. Đối với ngoại nhân thường do lao động quá sức, mệt nhọc, hoặc ốm lâu ngày, hoặc do tuổi cao, làm hao tổn khí nguyên dương, nguyên âm của thận mà sinh chứng thận âm, thận dương đều hư.
Triệu chứng: Bệnh nhân thường sợ lạnh, hay nằm co ro. Nhưng lòng bàn tay bàn chân lại nóng, miệng khô họng ráo, thích uống nước nóng, hay chóng mặt, ù tai, lưng gối thường xuyên đau mỏi, tiểu tiện trong mà dài, có khi đái giắt, giỏ giọt không hết. Nam giới thì di tinh, hoạt tinh, liệt dương. Phụ nữ thì không thụ thai hoặc mắc chứng đới hạ (khí hư). Trong gốc lưỡi có rêu trắng, chất lưỡi bệu, hơi đỏ, mạch bộ xích tế nhược.
Cơ chế bệnh: Chứng này thường gặp trong các bệnh hư lao, liệt dương, di tinh, long bế, quan cách, thủy thũng. Mỗi bệnh thường biểu hiện lâm sàng khác nhau nên khi chẩn đoán dễ nhầm lẫn. Chứng thận âm, thận dương hư thường xuất hiện vào thời kì cuối của bệnh tật, hoặc khi đã cao tuổi, bởi vì khi chính khí hư đến mức độ nặng thì cả âm và dương đều bị tổn thương, làm cho thận khí bại tuyệt, âm dương chia lìa, có trường hợp dẫn đến tử vong. Do đó nguyên tắc điều trị là “trong âm tìm dương, trong dương tìm âm” để cứu vãn cái dương khí, âm tinh trong cơ thể sắp suy kiệt. Ngoài ra, chứng thận âm, thận dương đều hư là do sống buông thả làm tổn hại tinh khí, hoặc do nhiệt chứng hun đốt thận âm làm tinh khí cạn kiệt, nếu thận âm hư thì sinh chứng âm hư hỏa vượng, ngũ tâm phiền nhiệt, ra mồ hôi trộm, ngủ kém, họng khô miệng ráo, lưng gối đau mỏi, nếu là nam giới thì mắc chứng di tinh, mộng tinh. Nếu dương hư thì sợ lạnh, từ lưng trở xuống phù thũng nặng hơn, nếu là nam giới thì liệt dương, phụ nữ thì mắc chứng đới hạ.
Phương pháp điều trị:
- Do thận âm thận dương hư sinh chứng long bế (đái giắt). Khi thận dương bất túc, mệnh môn hỏa suy yếu, liên lụy đến thận âm, thận mất chức năng khí hóa, không sinh ra được tân dịch mà sinh bệnh. Triệu chứng: Tiểu tiện không thông hoặc đi nhỏ giọt, lưng gối đau mỏi, nước tiểu nóng, ra mồ hôi trộm. Điều trị: Ôn thận tư âm thông khiếu. Bài thuốc: Tế sinh thận khí hoàn. đan bì 8 g, ngưu tất (tẩm rượu) 8 g, phụ tử (nướng) 6 g, phục linh 12 g, nhục quế 6 g, sơn thù 8 g, thục địa 12 g, trạch tả 8 g, xa tiền tử 8 g, hoài sơn 12 g. Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống ba lần. Hoặc tán bột làm viên mật mỗi viên 5 g ngày uống ba lần mỗi lần một viên với nước đun sôi để ấm.
- Do thận âm thận dương hư sinh chứng di tinh, liệt dương. Do phòng thất quá độ dẫn đến tinh hao âm suy liên lụy đến dương làm thận âm thận dương cùng hư. Triệu chứng: Dương vật không cương cứng, mộng tinh, hoạt tinh, đối với phụ nữ thì không thụ thai, tinh thần mệt mỏi. Điều trị: Ôn thận tráng dương tư âm cố sáp. Bài thuốc: Tán dục đan phối hợp với bài bế tinh hoàn. Thục địa 16 g, bạch truật 16 g, đương quy 12 g, kì tử 12 g, đỗ trọng 8 g, tiên mao 8 g, phụ tử chế 4 g, ba kích 8 g, sơn thù 4 g, dâm dương hoắc 8 g, nhục thung dung 8 g, phí tử (hạt hẹ) 8 g, xà sàng tử 4 g, nhục quế 4 g, thỏ ti tử 8 g, ngũ vị tử 6 g, bạch thạch chi 8 g, mẫu lệ 12 g, long cốt 12 g, tang phiêu tiêu 8 g, phục linh 8 g. Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống ba lần trong ngày, uống sau khi ăn. Hoặc tán bột làm viên mật mỗi viên 5 g ngày uống ba lần mỗi lần uống một viên với nước đun sôi để ấm.
- Do thận âm thận dương hư sinh chứng thủy thũng. Khi thận âm, thận dương hư sẽ làm mất chức năng điều khiển đại tiểu tiện, vì dương hư mất chức năng khí hóa, âm hư tân dịch không hóa thành thủy, làm thủy tràn lan mà sinh bệnh. Triệu chứng: Phù thũng toàn thân nhưng từ lưng trở xuống nặng hơn, tiểu tiện ít, miệng khô, lưỡi đỏ ít rêu. Điều trị: Ích thận lợi thủy. Bài thuốc: Chân vũ thang phối hợp với bài Lục vị tri bá: Phục linh 12 g, bạch thược 12 g, sinh khương 12 g, bạch truật 8 g, phụ tử chế 6 g, thục địa 12 g, sơn thù 6 g, hoài sơn 12 g, trạch tả 12 g, đan bì 8 g, tri mẫu 12 g, hoàng bá 12 g. Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống ba lần trong ngày, sau khi ăn.
- Do thận âm thận dương hư sinh chứng hư lao. Do lao động quá sức, ăn uống kém, phòng the quá độ làm thận âm thận dương cùng hư, sinh chứng hư lao. Triệu chứng: Bệnh nhân luôn sợ lạnh, lòng bàn tay, bàn chân nóng, miệng khô thích uống nước nóng, chóng mặt, ù tai, lưng gối đau mỏi, liệt dương, di tinh, không muốn sinh hoạt tình dục. Điều trị: Bổ thận âm, thận dương. Bài thuốc: Hữu quy hoàn, tả quy hoàn: Lộc giác giao 160 g, thục địa 320 g, hoài sơn 160 g, cẩu kì tử 160 g, phụ tử chế 240 g, sơn thù 120 g, đỗ trọng 160 g, đương quy 120 g, thỏ ti tử 160 g, nhục quế 160 g. Cách dùng: Tán bột làm viên hoàn mật mỗi viên 5 g, ngày uống ba lần mỗi lần uống hai viên sau khi ăn, uống với nước đun sôi để ấm. Nếu dùng làm thuốc sắc thì tùy chứng trạng của bệnh nhân mà dùng liều lượng cho thích hợp.
TTND. BS cao cấp Nguyễn xuân Hướng
http://nguoicaotuoi.org.vn

Tin liên quan
Mùa xuân, người cao tuổi cần đề phòng viêm phổi
Động kinh ở người lớn tuổi, những điều cần biết
Mót tiểu thường xuyên ở người cao tuổi
Những bệnh lý cần lưu ý ở nam giới ngoại tứ tuần
Sụp mi mắt ở người già
Tác dụng phụ của thuốc nặng hơn ở người cao tuổi
Dùng kháng sinh ở người Cao tuổi
Tai nạn ở người già
yếu tố làm suy giảm tuổi thọ
Bảo vệ đường hô hấp trong mùa lạnh
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website


Bản đồ