Các vấn đề về rối loạn lo âu

1.1.1. Các biểu hiện của rối loạn lo âu
Khi trẻ em mắc chứng lo âu nghiêm trọng, các em thường biểu hiện các triệu chứng về thể chất như: Chóng mặt, buồn nôn; đau thắt ngực, khó thở; cảm giác tê bì ở tứ chi; nhịp tim đập nhanh; đau đầu; bồn chồn,mệt mỏi, mất ngủ; khó tập trung chú ý; có những cơn run rẩy, căng cứng cơ, vã mồ hôi; đau bụng và tiêu chảy.
Các bệnh về thể chất và tâm thần khác cũng gây ra các triệu chứng giống như chứng rối loạn lo âu. Và cũng có khả năng trẻ có thể mắc chứng rối loạn cảm xúc lo âu và chứng bệnh khác, thí dụ như trầm cảm hoặc chứng rối loạn quá hiếu động/ thiếu tập trung chú ý. Do đó, điều quan trọng là trẻ phải được bác sĩ chuyên khoa khám kiểm tra kỹ lưỡng để có kết quả chẩn đoán chính xác.
1.1.2. Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn lo âu
Hiện nay, người ta vẫn chưa hiểu rõ được nguyên nhân chính xác gây ra một số rối loạn tâm thần. Thông thường, các rối loạn tâm thần phát sinh từ các yếu tố di truyền kết hợp với các yếu tố sinh học, các yếu tố nuôi dưỡng cũng như các yếu tố môi trường khác.
Các rối loạn tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên có nguyên nhân từ các yếu tố sinh học (di truyền, cân bằng sinh hóa trong cơ thể, tổn thương hệ thần kinh trung ương, chấn thương sọ não…), môi trường (bạo lực gia đình, bị thảm họa, mất người thân…) hoặc kết hợp cả hai.
Điều quan trọng là cộng đồng xã hội và gia đình cần kết hợp để tổ chức được các dịch vụ nhằm phát hiện, can thiệp và giải quyết sớm các rối loạn tâm thần trong thanh thiếu niên.
1.1.3. Các dạng lo âu
Rối loạn lo âu ám ảnh sợ:
Theo thống kê của Mỹ cho thấy, khoảng 5,9-13,4% dân số mắc chứng rối loạn ám ảnh sợ. Người bệnh thường xuyên tránh né một đối tượng, một tình huống, một động vật mà thực tế chẳng có gì nguy hiểm cho họ. Việc đương đầu với tình huống làm nảy sinh các triệu chứng tái mặt, nhịp tim nhanh, run, vã mồ hôi, nghẹt thở, tụt huyết áp... Ám ảnh sợ khoảng rộng là một hình thái của bệnh này. 
Ám ảnh sợ là một sự sợ hãi lo âu đặc trưng, được phát động bởi sự hiện diện của một đối tượng hoặc một tình huống nhất định mà bản thân nó chẳng có gì nguy hiểm đối với bệnh nhân.
- Những nét tính cách ám ảnh: Được đặc trưng bởi 3 biểu hiện chủ yếu như sau: sự ức chế, tăng cảm xúc và tình trạng báo động, hành vi tránh né.
- Các trạng thái ám ảnh sợ: Các trạng thái sợ bao gồm các đặc điểm lo sợ có đối tượng, kéo theo hành vi tránh né đặc trưng, bệnh nhân biết được tính chất bệnh lý của lo sợ này, nhưng không kìm nén được, sợ ám ảnh có tính chất hạn chế và đặc trưng.
- Các hình thái lâm sàng: Có 3 hình thái lâm sàng lớn được mô tả nhiều.
+ Ám ảnh sợ khoảng rộng:
Sợ khoảng rộng kèm với cơn hoảng sợ: Người bệnh cảm thấy trước sự quay trở lại của cơn hoảng sợ và sợ không có lối thoát (sợ ám ảnh, sợ); Có các cơn hoảng sợ khi đã ra khỏi tình huống gây lo sợ; Rối loạn bắt đầu bằng một cơn hoảng sợ tự phát. 
Sợ khoảng rộng không có cơn hoảng sợ: Không có tiền sử hoảng sợ; Lo âu tập trung vào tình huống gây ám ảnh sợ; Sợ khoảng rộng không chỉ theo nghĩa đen của nó mà còn sợ tất cả khoảng trống, đám đông, những chỗ đóng kín, các phương tiện giao thông công cộng, các phòng biểu diễn. Sợ bị cách ly khỏi nhà, xa nới cứu trợ và sợ xảy ra cơn hoảng sợ hoặc cơn co giật, cơn hystérie  ở nơi công cộng. Có thể sợ không kiềm chế được bản thân, sợ lao vào xe cộ...Trong tiền sử có thể có lo âu liên quan tới sự xa cách bố mẹ, lo sợ đến trường học…
+ Ám ảnh sợ xã hội:
Phù hợp với sự tránh né một số tình huống xã hội như: nói trước đám đông, gặp một người khác giới, bảo vệ quan điểm của mình trước những người khác giới, bảo vệ quan điểm của mình trước những người khác, ăn, viết, đi vệ sinh ở nơi công cộng. 
Chủ yếu là sợ bị làm nhục, sợ phải phục tùng người khác, sợ bị chỉ trích, sợ mất phẩm giá… .Thường có suy diễn nhẹ khi sợ. 
+ Ám ảnh sợ đơn giản: 
Thường là sợ các động vật, các đồ vật, tiếng ồn, máu, các vết thương…
Rối loạn ám ảnh nghi thức:
Ám ảnh (obsession) là những ý nghĩ, biểu tượng, cảm giác xuất hiện một cách cưỡng bức và tái diễn. Nghi thức (Compulsion) là những ý nghĩ hay hành vi có ý thức, được gán cho một ý nghĩ tượng trưng, được lặp đi lặp lại thường xuyên (đếm, kiểm tra, né tránh,….). Ám ảnh làm tăng lo âu và việc thực hiện các nghi thức sẽ làm giảm lo âu. Người bị rối loạn ám ảnh nghi thức vẫn nhận biết được tính vô lý của ám ảnh. Rối loạn ám ảnh nghi thức có thể làm cho bệnh nhân mất nhiều thời gian để đối phó, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng các hoạt động nghề nghiệp, xã hội, các mối quan hệ với bạn bè, gia đình và tất cả các hoạt động sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân.
Đặc điểm của ám ảnh nghi thức là có các ám ảnh và/hoặc có các hành vi cưỡng bức. Căn cứ vào triệu chứng mà chia làm nhiều nhóm khác nhau.
- Nguyên nhân:
+ Các chất dẫn truyền thần kinh:
Serotonin được cho là có liên quan đến các triệu chứng của ám ảnh nghi thức.Các thuốc tác động trên hệ serotoninergic có hiệu quả tốt hơn, rõ rệt so với các thuốc tác động trên hệ dẫn truyền khác.Trong ám ảnh nghi thức có sự rối loạn điều hòa serotonin ở các synap tại một số vùng não khác nhau. Ngoài ra còn có sự tăng nhạy cảm đối với serotonin tại các thụ cảm thể của bệnh nhân ám ảnh nghi thức.
Người ta nhận thấy ở bệnh nhân ám ảnh nghi thức có sự bất thường vasopressin và oxytocin (giảm nồng độ). Khi điều trị bằng clomipramin thì nồng độ các chất này tăng lên.
Rối loạn điều hòa Dopamin cũng được nhận thấy trong bệnh ám ảnh nghi thức, nhưng vai trò của dopamin chưa được rõ ràng.
+ Di truyền:
Các nghiên cứu trẻ sinh đôi với các ám ảnh nghi thức cho thấy ở các trẻ sinh đôi cùng trứng có tỷ lệ bệnh cao hơn so với các trẻ sinh đôi khác trứng.Các nghiên cứu gia đình cho thấy, khoảng 35% con của các bệnh nhân ám ảnh nghi thức có nguy cơ bị bệnh.Những người mức độ I (bố mẹ, anh chị em, con cái) của bệnh nhân ám ảnh nghi thức có nguy cơ bị bệnh rất cao so với những người bình thường (khoảng 4 lần.)
+ Nghiên cứu hình ảnh não:
Khi tiến hành chụp PET thấy có sự tăng hoạt động ở thùy trán, các hạch đáy não (nhân đuôi)… ở các bệnh nhân ám ảnh nghi thức. Khi chụp CT hoặc MRI thấy có hình ảnh giảm kích cỡ nhân đuôi cả hai bên.
- Lâm sàng:
+ Đặc điểm cơ bản của rối loạn ám ảnh nghi thức là sự xuất hiện lặp đi lặp của những ý nghĩ ám ảnh hoặc hành vi cưỡng bức. Các triệu chứng này rất khó chịu đối với người bệnh, ảnh hưởng đến các sinh hoạt thường ngày, các hoạt động xã hội, nghề nghiệp cũng như quan hệ với những người chung quanh. Mặc dù người bệnh nhận thức được sự vô lý của các ý nghĩ và hành vi này, cố gắng tìm mọi cách để chống lại nhưng không có kết quả.
+ Người bệnh có thể chỉ có ý nghĩ ám ảnh hoặc hành vi cưỡng bức nhưng thường nhất là có cả hai (khoảng 75%). Mặc dù hành vi cưỡng bức là những hành vi định hình, lặp đi lặp lại nhằm làm giảm bớt sự lo âu đi kèm với ám ảnh nhưng không phải lúc nào cũng có kết quả mà có khi lại càng làm tăng thêm sự lo âu.
+ Người ta nhận thấy có mối quan hệ chặt chẽ giữa các triệu chứng ám ảnh và trầm cảm, khoảng 2/3 bệnh nhân có rối loạn ám ảnh cưỡng bức bị trầm cảm thứ phát Ngược lại, bệnh nhân bị rối loạn trầm cảm tái phát cũng hay có các ý nghĩ ám ảnh trong các giai đoạn trầm cảm. Trong các trường hợp này, các triệu chứng trầm cảm và ám ảnh thường tăng giảm song song với nhau.
+ Các biểu hiện lâm sàng của ám ảnh nghi thức là không đồng nhất ở người lớn, trẻ em và thanh thiếu niên. Các triệu chứng có thể gối lên nhau và thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên ám ảnh nghi thức có 4 mô hình triệu chứng chính:
Ám ảnh bị nhiễm bẩn, lây bệnh:  thường gặp nhất là kèm theo hành vi rửa tay nhiều lần đến mức làm trầy xước cả da tay hoặc các nghi thức né tránh các đối tượng bị cho là nhiễm bẩn.
Ám ảnh nghi ngờ: là dạng phổ biến thứ 2, kèm theo một sự cưỡng bức về kiểm tra. Ví dụ người bệnh mỗi khi rời khỏi nhà sợ quên khóa cửa hoặc tắt bếp ga và phải trở về nhà rất nhiều lần để kiểm tra. Những bệnh nhân này cũng hay có ám ảnh nghi ngờ chính mình và họ thường cảm thấy có lỗi do đã phạm một sai lầm nào đó.
Ám ảnh không có cưỡng bức: đó thường là các ý nghĩ lặp đi lặp lại về các hành vi tình dục hoặc xâm phạm. Ví dụ một người mẹ  đau khổ vì sợ sẽ không kiềm chế nỗi xung đột  muốn giết đứa con mình yêu quý, một người khác không xua đuổi được những ý nghĩ tục tĩu hoặc có tính chất xúc phạm.
Ám ảnh chậm chạp: trong đó người bệnh thực hiện rất do dự, ngập ngừng, chậm chạp các sinh hoạt thường ngày như mất hàng giờ để ăn sáng hoặc cạo râu...
Rối loạn lo âu lan tỏa:
Người bệnh bị rối loạn lo âu lan tỏa mới thực sự được nhận dạng là “lo âu”. Họ lo âu hàng ngày, từ ngày này qua ngày khác với nhiều sự kiện, nhiều vấn đề. Một kiểu mẫu có khuynh hướng lan tỏa và bao trùm các lĩnh vực đa dạng bao gồm cả các vấn đề thường ngày. Ví dụ: sức khỏe, tiền bạc, nghề nghiệp.
Rối loạn lan tỏa rất phổ biến, chiếm khoảng 5% ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời.
Rối loạn lo âu lan tỏa gặp phổ biến ở thực hành đa khoa, nhưng cũng gặp nhiều ở chăm sóc chuyên khoa.
- Các triệu chứng, dấu hiệu của lo âu lan tỏa:
+ Lo âu quá mức trong một hoặc nhiều lĩnh vực.
+ Căng thẳng các cơ (căng đầu óc).
+ Hoạt động thần kinh giao cảm quá mức (ví dụ: chóng mặt, quay cuồng, khô đắng miệng, đánh trống ngực)
+ Tác động của kích thích quá mức (cảm giác đứng bên bờ vực, khó tập trung chú ý).
+ Các triệu chứng về hô hấp (ngộp thở, thở gấp, tức ngực).
+ Các triệu chứng sinh dục nội tiết (mót đái, đái dắt, xuất tinh sớm, liệt dương).
+ Các triệu chứng đường ruột (ỉa chảy, táo bón, đau quặn bụng).
+ Mất ngủ. khó đi vào giấc ngủ, ngủ gà ban ngày.
+ Lạm dụng chất: nghiện thuốc ngủ, an thần.
Mặc dù các triệu chứng này có thể dao động về cường độ, rối loạn lo âu lan tỏa có khuynh hướng mãn tính không thuyên giảm trong cả cuộc đời. Thường bắt đầu từ 10 đến 20 tuổi. Nam nữ bị ngang nhau, ít khi đi điều trị trước 20 hoặc 30 tuổi.Nhiều người coi các triệu chứng của họ như một phương thức tồn tại và không cho rằng việc điều trị có thể giúp được họ.
Những lưu ý khi xác định lo âu:
+ Khi các người bệnh mô tả các triệu chứng lo âu, hỏi thăm để xác định rõ các vấn đề sau:
Có phải lo âu bình thường đáp ứng với các stress cuộc sống nhưng quá mức không?
Có phải là lo âu đáp ứng với stress cuộc sống nhưng quá mức không?
Lo âu có thường xuyên không? (Nhân cách lo âu)
Có phải triệu chứng này là một phần của trạng thái tâm thần khác như trầm cảm, loạn thần hoặc sa sút không?
Có dấu hiệu để khẳng định lo âu là triệu chứng thứ phát của sử dụng chất kích thích (café, rượu, ma túy)?
+ Các rối loạn cần lưu ý không bỏ qua:
Lo âu cơ thể có một bệnh thực thể nằm dưới, thí dụ: Chứng loạn nhịp tim có thể gây ra triệu chứng nhầm lẫn với lo âu. Viêm họng, viêm phế quản có thể gây ra khó thở, đánh trống ngực, khó chịu ở lồng ngực. U tế bào sắc tố thượng nhân có thể có các cơn lo âu và cao huyết áp. Cường tuyến giáp cũng gây lo âu cũng như hạ đường huyết.
Lo âu cảm xúc có thể biểu hiện của động kinh tâm thần (động kinh thái dương).
Các thuốc cũng gây lo âu: thuốc giãn phế quản (Theophylin)
+ Khi các rối loạn lo âu gây ra bởi các bệnh nội khoa và các chất đã được loại trừ thì hỏi thêm 6 câu sau:
Có tiền sử cơn hoảng sợ không?
Lo âu là tự phát hay gợi ý?
Tiền sử có né tránh, ám ảnh sợ không?
Có ám ảnh cưỡng bức không?
Có sang chấn thúc đẩy không?
Bệnh nhân này có phải là lo âu lan tỏa không?
Rối loạn lo âu chia cách:
Ở tuổi đang phát triển và trưởng thành, trẻ có thể rất lo lắng khi người thân, đặc biệt là mẹ ra khỏi nhà nên thường bám theo và khóc. Nếu lo âu quá mức có thể dẫn đến rối loạn lo âu chia ly.
 Lo âu thường gặp ở trẻ em 1-3 tuổi, tỉ lệ ngang nhau ở hai giới. Có thể khởi phát ở tuổi trước khi đi học, nhưng nhiều trường hợp bắt đầu ở 10-12 tuổi, nặng nữa là không chịu đi học.
Điểm cốt lõi của rối loạn lo âu chia cách là lo âu quá mức khi phải cách xa người mà trẻ gắn bó, thường là bố mẹ
- Biểu hiện:
+ Lo âu cao độ và kéo dài do xa cách bố mẹ, gia đình, môi trường thân thuộc, sợ người thân đi không về.
+ Lo sợ không có cơ sở thực tế và kéo dài là tai họa sẽ xảy ra làm trẻ phải chia ly với người thân (sợ bản thân hay bố mẹ bị tai nạn hay ốm đau, sợ bị lạc, bị bắt cóc và không bao giờ tìm lại được bố mẹ).
+ Trẻ không chịu đi học kéo dài, chỉ muốn ở nhà với người có quan hệ gắn bó, níu bám bố mẹ, khó hòa nhập môi trường mới.
+ Rối loạn giấc ngủ: đòi mẹ hay người có quan hệ gắn bó nằm bên cạnh cho đến khi đã ngủ, sợ bóng tối, khó ngủ, ác mộng...Trẻ có vẻ buồn, hay kêu khóc.
+ Có nhiều triệu chứng cơ thể: buồn nôn, đau dạ dày, đau chỗ này chỗ khác, đau đầu, đau bụng, choáng váng, chóng mặt, các triệu chứng giống cảm cúm. Ở trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên, có thể thấy các triệu chứng điển hình về tim mạch và hô hấp, đau ngực, hồi hộp, chóng mặt, choáng váng, nghẹt thở.
- Đặc tính chẩn đoán:
Đặc tính chủ yếu của rối loạn lo âu chia cách là lo âu quá mức liên quan đến chia cách khỏi nhà hoặc khỏi những người mà cá nhân đó gắn bó với (Tiêu chuẩn A). Loại lo âu này vượt quá mức mong đợi đối với mức phát triển của cá thể đó. Xáo trộn này phải kéo dài một thời kỳ ít nhất là 4 tuần(Tiêu chuẩn B), bắt đầu trước 18 tuổi (Tiêu chuẩn C) và gây ra khó chịu có ý nghĩa trên lâm sàng hoặc suy kém về xã hội, học tập (nghề nghiệp) hay các lãnh vực thực hành chức năng quan trọng khác (Tiêu chuẩn D). Chẩn đoán này không thực hiện được nếu lo âu xảy ra trong quá trình của rối loạn phát triển lan toả, tâm thần phân liệt hoặc rối loạn loạn thần khác hoặc ở trẻ vị thành niên hay người lớn, nếu nó  phù hợp hơn với rối loạn hoảng loạn có kèm theo sợ khoảng rộng (Tiêu chuẩn E).
- Nguyên nhân:
Trẻ nhỏ chưa trưởng thành và còn lệ thuộc vào mẹ, có nhiều lo sợ xảy ra trong giai đoạn phát triển như sợ mất mẹ, sợ mất tình yêu của mẹ, sợ bị tổn thương cơ thể, sợ tội lỗi, sợ bị phạt, sợ phải xa cách mẹ.Thường đứa trẻ không chấp nhận và nếu môi trường trở thành mối đe dọa, trẻ sẽ chuyển cảm xúc giận dữ về phía bố mẹ. Các lo sợ kể trên ở mức độ nhẹ rất hay gặp ở trẻ em. Nếu ở mức độ nặng gây rối loạn sự thích ứng của trẻ với gia đình, bạn bè, trường học, trẻ mới cần được cho đi khám và điều trị.
Rối loạn strees sau sang chấn:
Rối loạn strees sau sang chấn là các rối loạn phát sinh sau chấn thương tâm lý từ vài tuần đến vài tháng, tối đa là 6 tháng. Bệnh có thể tiến triển thuận lợi (khỏi bệnh) hoặc giao động (tái phát, tăng hoặc thuyên giảm).Một số ít bệnh nhân có thể kéo dài nhiều năm và để lại biến đổi nhân cách rõ rệt.
Đặc điểm nhấn mạnh của rối loạn strees sau sang chấn là có một chấn thương tâm lý rất mạnh, mang tính đe dọa bản thân hoặc người thân.
- Các yếu gây bệnh:
+ Yếu tố gây stress:
Là yếu tố căn nguyên hàng đầu trong quá trình phát sinh rối loạn strees sau sang chấn. Bệnh nhân được coi là có rối loạn stress sau sang chấn phải trải qua một sang chấn về cảm xúc nặng đến mức có thể coi đó là sang chấn cho hầu hết mọi người. Các sang chấn đó có thể là: các trải nghiệm chiến tranh, các thảm hoạ tự nhiên (động đất, sóng thần, núi lửa, bão lụt,...), các tai nạn nghiêm trọng (tai nạn giao thông, hoả hoạn..), cưỡng hiếp, bắt cóc, tra tấn. Tuy nhiên, đây là điều kiện cần song chưa đủ để gây bệnh ở tất cả mọi người. Cần phải xem xét đến các yếu tố sinh học, tâm lý xã hội, cũng như các sự kiện tiếp tục xảy ra sau sang chấn.
Các nghiên cứu gần đây nhấn mạnh vào đáp ứng chủ quan của cá thể đối với sang chấn hơn là cường độ của sang chấn. Tuy vậy nhiều tác giả vẫn cho rằng các triệu chứng rối loạn strees sau sang chấn là hậu quả trực tiếp bởi cường độ sang chấn. Một điều ngày càng được nhiều người nhất trí là rối loạn này có liên quan chặt chẽ với ý nghĩa thông tin riêng biệt của sang chấn đối với bệnh nhân.
+ Các yếu tố sinh học:
Các học thuyết sinh học về rối loạn strees sau sang chấn dựa trên cả các nghiên cứu thực nghiệm trên mô hình động vật và các nghiên cứu về biến số sinh học trên lâm sàng các bệnh nhân có rối loạn strees sau sang chấn. Khi có stress cấp, cơ thể con người có sự tăng bài tiết các Hormon khác nhau (Catecholamin và Cortisol) dẫn đến có sự đáp ứng khác nhau của các cơ quan trong cơ thể. Các nghiên cứu đều cho thấy nhiều hệ thống dẫn truyền thần kinh bị rối loạn: Dopamine, Norepinephrine, các Opiate nội sinh, các thụ thể  Bezodiazepine và trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận. Các hệ thống này thường bị tăng hoạt ở các bệnh nhân bị rối loạn strees sau sang  chấn.
Serotonin đóng vai trò quan trọng trong sinh bệnh học của PTSD. Khi bị PTSD, nồng độ serotonin trong một số vùng của não bệnh nhân giảm thấp, nồng độ serotonin trong huyết thanh cũng giảm.Vì thế hệ thống serotonin bị mất điều hòa. Khi sử dụng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin để điều trị PTSD thì cho kết quả tốt.
Khi PTSD phát triển dưới sự tác động mạnh mẽ và lặp đi lặp lại của Stress, cơ thể bị mất điều hòa, các rối loạn thần kinh thực vật trở thành mãn tính: tăng nhịp tim, huyết áp giao động, nhịp thở nhanh, rối loạn giấc ngủ...
Nghiên cứu hình ảnh não của bệnh nhân PTSD về cấu trúc và chức năng cho thấy có giảm hoạt động ở vùng limbic và vỏ não.Các vùng nãobị mất chức năng bao gồm vùng trí nhớ, cảm xúc, vùng thị giác.Khi có những gợi ý lại chấn thương tâm lý, thì thấy có sự giảm lưu lượng máu tại vùng trước trán, hồi hải mã, vùng phối hợp thị giác.
 

Tin liên quan
Các vấn đề về trầm cảm
Chậm phát triển trí tuệ là gì, phân loại và những khó khăn mà trẻ gặp phải khi chậm phát triển trí tuệ
Trầm cảm sau sinh: căn bệnh tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Phương pháp can thiệp với các trẻ chậm phát triển trí tuệ
Phương pháp can thiệp với những trẻ em trầm cảm
Phương pháp can thiệp với những trẻ rối loạn lo âu
Phương pháp can thiệp với những trẻ tự kỷ
Rối loạn hành vi ứng xử, trạng thái và phương pháp can thiệp
Rối loạn hành vi và các vấn đề, phương pháp can thiệp về rối loạn hành vi
Rối loạn tăng động giảm chú ý, đặc trưng, biểu hiện và phương pháp trị liệu
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website


Bản đồ