Các câu hỏi liên quan đến bệnh sốt xuất huyết trẻ em

 
Vào mùa mưa, tỷ lệ trẻ bị sốt xuất huyết đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 tăng cao do đây là mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết. Chính vì thế mà chủ đề tư vấn sức khỏe trẻ em “Các câu hỏi liên quan đến bệnh sốt xuất huyết trẻ em” đã đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu thông tin về bệnh của các bậc cha mẹ nhằm chăm sóc các bé được tốt hơn. Thạc sĩ Bác sĩ Lê Bích Liên, Trưởng khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi Đồng 1 sẽ trả lời những câu hỏi của các bạn.

Hỏi: Kính chào Bác sĩ Lê Bích Liên
   Tôi có một cháu gái năm nay được 8 tuổi. Năm vừa rồi cháu bị bệnh, đưa đi khám tại BV Nhiệt Đới thì được chẩn đoán là sốt xuất huyết, phải truyền dịch. Vậy con tôi bị rồi thì có thể bị sốt xuất huyết lại không? Bệnh sốt xuất huyết có dễ lây không?
   Tôi có nghe một số Bác sĩ bảo rằng bệnh sốt xuất huyết chỉ kéo dài 7 ngày, qua khỏi 7 ngày này là coi như hết bệnh, như vậy có đúng không, thưa Bác sĩ?
   Trả lời:
   - Sốt xuất huyết không phải là bệnh miễn dịch suốt đời. Vi rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết có 4 týp huyết thanh DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Cơ thể của cháu chỉ tạo ra kháng thể bảo vệ đối với 1 týp vi rút cháu mắc năm vừa rồi, các týp vi rút còn lại thì không. Vì vậy, cháu vẫn có thể mắc sốt xuất huyết trở lại.
   - Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền qua trung gian muỗi Aedes Agypti (muỗi vằn). Đây là loại muỗi sống ngay trong nhà hoặc chung quanh nhà chúng ta, đẻ trứng ở những chỗ chứa nước sạch (lu vại, bình cắm hoa, những vật dụng phế thải vứt quanh nhà chứa đựng nước mưa). Nếu nơi chúng ta ở có muỗi vằn sinh sống và có người mang vi rút Dengue thì khả năng lây bệnh sốt xuất huyết là rất cao, đặc biệt là trẻ em. Bệnh có thể lây thành dịch, nhất là vào mùa mưa. Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất hiện nay vẫn là “diệt muỗi, diệt lăng quăng, ngừa muỗi chích”.
   - Bệnh sốt xuất huyết thường sốt từ 2 đến 7 ngày. Triệu chứng nguy hiểm có thể tử vong là sốc trụy tim mạch, thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh (85% rơi vào ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh). Nếu bé đã bệnh qua ngày thứ 7, hết sốt được 48 giờ mà không cần dùng thuốc hạ nhiệt, bé tươi tỉnh hơn, biết chơi và đòi ăn trở lại thì gia đình có thể yên tâm.
   Hỏi: Chào Bác sĩ!
   Em đọc tài liệu thấy có nói bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm nhất là lúc hạ sốt. Con em bị sốt đã 3 ngày, có ho và sổ mũi, đã uống thuốc theo toa bác sĩ được 2 ngày. Đến hôm nay bé đã hết sốt và chơi bình thường nhưng em vẫn còn rất lo, làm sao để biết rằng bé bớt bệnh hay đang vào giai đoạn nặng của sốt xuất huyết? Xin Bác sĩ tư vấn giúp
  
   Trả lời:
   Đúng như bạn đã biết, triệu chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết có thể làm trẻ tử vong là trụy tim mạch, thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh, vào thời điểm hết sốt và 24 – 48 giờ sau đó. Một số cha mẹ có thể nghĩ rằng trẻ hết sốt là hết bệnh. Tuy nhiên, đối với bệnh sốt xuất huyết, thời điểm hết sốt rất quan trọng. Nếu bé hết sốt nhưng lừ đừ, li bì hoặc bứt rứt, lạnh tay chân, tiểu ít hoặc đau bụng, ói nhiều thì chúng ta cần đưa bé đến bệnh viện gấp để được xử trí cấp cứu kịp thời. Nếu trẻ hết sốt trên 48 giờ mà không dùng thuốc hạ sốt, trẻ tươi tỉnh, đòi ăn đòi chơi, tiểu tốt trở lại, chúng ta có thể yên tâm là trẻ đã qua giai đoạn nguy hiểm.
   Cháu bé của bạn bị sốt, ho, sổ mũi 3 ngày đã được bác sĩ khám và đã hết sốt, chơi bình thường. . Để biết cháu bớt bệnh chưa hay vào giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết, trước hết chị cần phải hỏi bác sĩ điều trị xem cháu có bị sốt xuất huyết hay không. Qua thăm khám bệnh nhân và dựa vào xét nghiệm máu, bác sĩ có thể trả lời cho chị câu hỏi này. Nếu cháu chỉ bị nhiễm siêu vi, hoặc viêm hô hấp trên thông thường thì chị hãy an tâm, cháu đã bắt đầu bớt bệnh. Tuy nhiên, nếu bác sĩ chưa loại trừ bệnh sốt xuất huyết, chúng ta nên cảnh giác với bệnh này và tiếp tục theo dõi cho đến khi cháu hồi phục hoàn toàn như tôi đã trình bày ở trên: bệnh qua được 7 ngày, cháu hết sốt trên 48 giờ và chơi bình thường.
   Hỏi: Kính thưa bác sĩ, con tôi vừa đi khám bệnh và bác sĩ nói là nghi cháu bị sốt xuất huyết. Bác sĩ có cho thuốc về uống và hẹn tái khám. Xin hỏi trường hợp con tôi có cần thiết phải nhập viện điều trị hay không? Xin cảm ơn Bác sĩ
   Trả lời:
   Hơn 60% các trường hợp sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 là sốt xuất huyết nhẹ có thể điều trị tại nhà. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho gia đình cách chăm sóc trẻ bệnh, cách uống thuốc hạ nhiệt, chế độ ăn…và hẹn tái khám theo dõi mỗi ngày.
   Điều quan trọng là chúng ta phải nhận biết các dấu hiệu trở nặng để có thể đem cháu đến bệnh viện kịp thời. Gia đình cần đưa cháu đến bệnh viện ngay khi có một trong những dấu hiệu như sau:
   - Trẻ hết sốt nhưng li bì, lừ đừ hoặc bứt rứt, quấy khóc nhiều.
   - Lạnh tay chân.
   - Tiểu ít.
   - Đau bụng nhiều.
   - Ói nhiều.
   - Chảy máu cam, máu răng, ói máu, tiêu phân đen, tiểu máu.
   Có thể chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà như sau:
   - Cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol, liều 10 – 15 mg/ kg/ lần x 3 – 4 lần/ ngày
   - Có thể lau nước ấm (nhiệt độ như nước tắm em) để giúp trẻ hạ sốt.
   - Uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu.
   - Không nên: Dùng Aspirin để hạ sốt, cắt lễ, cạo gió, uống hoặc ăn những chất có màu đỏ, nâu, đen vì khi trẻ ói có thể nhầm với triệu chứng ói máu.
   - Theo dõi các dấu hiệu trở nặng như trên.
   Hỏi: Thưa Bác sĩ! Có phải khi bị sốt xuất huyết giai đoạn cuối thì da sẽ bị đổi màu vĩnh viễn không? Và 3 giai đoạn của bệnh thường cách nhau bao lâu? Xin cảm ơn bác sĩ.
   Trả lời: Một số trẻ mắc sốt xuất huyết, ở giai đoạn hồi phục có thể xuất hiện tình trạng đỏ da, thường thấy ở tay, chân, nếu nhiều có thể khắp người. Đây gọi là “rash hồi phục”. Triệu chứng này thường xuất hiện vào ngày thứ 6, thứ 7 của bệnh khi trẻ đã hết sốt, tươi tỉnh trở lại, đòi ăn và chơi bình thường. Xét nghiệm máu cũng bắt đầu trở về bình thường. Khi thấy cháu có dấu hiệu “rash hồi phục” là điều đáng mừng vì sắp hết bệnh.
   Rash hồi phục chỉ tồn tại vài ngày rồi mất, khi đó da trẻ sẽ trở về màu sắc bình thường.
   Tôi chưa hiểu lắm về câu hỏi “3 giai đoạn của bệnh cách nhau bao lâu” của chị. Về diễn tiến của bệnh sốt xuất huyết, có thể ngắn gọn như sau:
   - Giai đoạn sốt: thường từ ngày 1 đến ngày 3 của bệnh, trẻ sốt rất cao 39 – 40oC, liên tục.
   - Giai đoạn nguy kịch: từ ngày 3 – ngày 6 của bệnh, giai đoạn này trẻ có nguy cơ trụy tim mạch và nguy cơ chảy máu, làm cho trẻ tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
   Giai đoạn hồi phục: thường từ ngày thứ 7 của bệnh trở đi, khi trẻ đã hết sốt trên 48 giờ, tươi tỉnh trở lại, chơi bình thường, đòi ăn. Do đó, trẻ bị sốt xuất huyết cần theo dõi liên tục để phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm cho đến hết ngày thứ 7 của bệnh, hoặc khi trẻ đã hết sốt trên 48 giờ mà không dùng thuốc hạ nhiệt mới yên tâm trẻ khỏi bệnh.
                                                                                                             Theo eva.vn

Tin liên quan
Những ngộ nhận về bệnh tiêu chảy do Rotavirus ở trẻ nhỏ
13 điều sai lầm nên tránh khi chăm sóc trẻ sơ sinh
Làm gì khi trẻ ho
Dấu hiệu trẻ bị tự kỷ
5 dấu hiệu xấu về sức khỏe bé sơ sinh
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website


Bản đồ