Hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán tái hoà nhập cộng đồng - Vai trò của nhân viên công tác xã hội

 
Trong hàng trăm dự án, chương trình đang được triển khai trên nhiều địa phương để hỗ trợ cho các nạn nhân bị buôn bán đã trở về; mô hình Ngôi nhà bình yên của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam với các dịch vụ hỗ trợ toàn diện đã chứng tỏ hiệu quả trong việc trợ giúp cho nạn nhân bị buôn bán tái hoà nhập cộng đồng một cách bền vững.

Thực trạng buồn
Mặc dù rất khó để nắm bắt được chính xác quy mô của tình trạng buôn bán người do bản chất phi pháp cũng như những khó khăn trong việc xác định các hoạt động cấu thành của nó nhưng các cơ quan nhà nước và quốc tế vẫn khẳng định rằng, nạn buôn người ở Việt Nam (chủ yếu là buôn bán phụ nữ và trẻ em) rất trầm trọng và ngày một gia tăng. Một phần trong số hàng ngàn nạn nhân bị buôn bán đã may mắn được giải cứu và trở về quê hương; song phía trước họ là muôn vàn khó khăn cần đến sự hỗ trợ để có thể có được một cuộc sống ổn định.
Theo báo cáo tổng kết chương trình hành động phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em của Chính phủ (chương trình 130 CP) giai đoạn 2004-2009, trong 5 năm cả nước đã xảy ra 1.586 vụ buôn bán người trong đó có 2.888 đối tượng, lừa bán 4.008 nạn nhân và con số này đã tăng so với 5 năm trước là 1.090 vụ, 2.117 đối tượng và 2.935 nạn nhân. Trong đó, trên 60% tổng số vụ mua bán sang Trung Quốc, 11% tổng số vụ bán sang Campuchia, số còn lại mua bán sang Lào, qua tuyến hàng không, tuyến biển để bán ra một số nước khác. Địa phương xảy ra tình trạng này nhiều nhất là: Hà Giang; Lào Cai; Lạng Sơn; Quảng Ninh, Hà Nội; Nghệ An; Lai Châu; Bắc Giang. Những con số trên cho thấy, tệ nạn buôn bán người đang diễn ra ngày càng tăng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là số nạn nhân được phát hiện, giải cứu nên vẫn chưa phản ánh chính xác số nạn nhân thực tế của tệ nạn này. Theo nhận định của Ban chỉ đạo chương trình 130/CP của Chính phủ, tình hình hoạt động tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em diễn biến phức tạp, đa dạng, tính chất quy mô và thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và xuyên quốc gia.
Buôn bán người luôn được hiểu như là một hệ quả của nghèo đói do những nạn nhân bị buôn bán thường xuất thân từ các vùng nông thôn và từ các gia đình nông dân nghèo, cha mẹ thường có trình độ học vấn thấp, giáo dục gia đình kém, hay có những vấn đề xã hội như rượu, chè, bạo lực gia đình, khuyết tật, cha mẹ đơn thân, ly dị hoặc có cuộc sống không hạnh phúc. Tuy vậy, nạn nhân của buôn bán người vì thế không đơn thuần chỉ là những phụ nữ trẻ mà nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trường hợp bị bán thường là những phụ nữ ở trong độ tuổi từ 15 cho đến 35 tuổi và bất kỳ ai cũng có thể bị buôn bán. Trẻ em đang ngày càng trở thành một nhóm đối tượng dễ bị tổn thương hơn, độ tuổi trung bình của trẻ em bị buôn bán là 10 tuổi. Chủ yếu trẻ em bị buôn bán là các bé gái nhưng trong một số trường hợp lại là bé trai. Bên cạnh nhóm nạn nhân thuộc dân tộc đa số (dân tộc Kinh) ở Việt Nam thì cũng có một số lượng lớn các đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Đây là nhóm có nguy cơ bị buôn bán cao nhất vì họ ở những nơi hẻo lánh, biệt lập về địa lý, trình độ kinh tế, xã hội thấp kém. Nam giới cũng là một đối tượng bị mua bán dù chưa có nhiều công trình nghiên cứu cụ thể về đối tượng này. Họ bị bán dưới hình thức tuyển dụng lao động xuất khẩu ra nước ngoài.
Để nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng
Các nạn nhân của việc buôn bán người thường đều đã từng phải trải qua tình trạng bị cưỡng bức; bị tra tấn; nợ nần; bị giam cầm bất hợp pháp; bạn bè và gia đình bị đe doạ; bị bạo lực về thể chất, tình dục và tâm lý. Hậu quả là, nạn nhân phải hứng chịu những tổn thương về sức khoẻ và tâm lý nặng nề, có những trường hợp dẫn đến cái chết. Đối với những nạn nhân may mắn được trở về địa phương, việc tái hoà nhập của họ cũng gặp muôn vàn khó khăn. Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức Action Aid Việt Nam tại 4 tỉnh: Điện Biên, Cao Bằng, Hải Phòng và Vĩnh Long, chỉ có 20,4% số nạn nhân trở về đã ổn định và hoà nhập với cộng đồng. Số còn lại gặp rất nhiều vấn đề như thiếu việc làm do không tìm được công việc phù hợp ở địa phương hoặc do tình trạng sức thiếu, mất đất sản xuất, thiếu chỗ ở, bị bệnh tật, sức khoẻ yếu hoặc gặp các khó khăn khác như thiếu giấy tờ tuỳ thân, gia đình không ổn định... Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng. Đó là: Hỗ trợ nạn nhân gắn với công tác tiếp nhận; hỗ trợ tại Trung tâm nhà tạm lánh dành cho nạn nhân; lồng ghép việc hỗ trợ nạn nhân trở về với các chương trình hoạt động của Hội Phụ nữ địa phương như: Dạy nghề cho lao động nữ, cho vay vốn xoá đói giảm nghèo (trong đó có phụ nữ nguy cơ, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ bị buôn bán trở về, gia đình nạn nhân) gắn với truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng sống. Riêng đối với các trường hợp nạn nhân trở về có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, một số địa phương đã phối hợp với một số tổ chức quốc tế để có gói hỗ trợ trị giá từ khoảng từ 300 đến 500 USD… Tuy nhiên, các chương trình, dự án được triển khai tại nhiều địa phương không mang tính bền vững khi mà thời gian triển khai dự án ngắn, đối tượng hưởng lợi bị hạn chế. Khi dự án kết thúc thì các đối tượng không thể tự lập cho cuộc sống của mình. Hoặc có những chương trình như đào tạo nghề lại chưa xem xét tới yếu tố phù hợp của nghề đào tạo với điều kiện thực tế của địa phương nên học viên sau khi được đào tạo cũng không thể vận dụng để sinh sống. Hơn nữa, nạn nhân bị buôn bán chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thái độ, kiến thức và hành vi của cộng đồng đối với họ. Chính vì thế, nếu chỉ tập trung vào nạn nhân mà không có những hoạt động tác động vào cộng đồng nơi nạn nhân sinh sống thì khả năng nạn nhân tiếp tục bị buôn bán hoặc rời bỏ cộng đồng là rất cao. Trong các hình thức hỗ trợ trên, ngôi nhà bình yên - mô hình Công tác xã hội chuyên nghiệp do Hội LHPNVN thực hiện với các dịch vụ hỗ trợ toàn diện như: Nơi ăn, ở an toàn; chăm sóc sức khoẻ hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; hỗ trợ pháp lý; đào tạo, hỗ trợ nghề; nâng cao kỹ năng sống; tham gia các hoạt động vui chơi giải trí; trợ giúp sau khi rời khỏi Ngôi nhà bình yên… đã chứng tỏ được tính hiệu quả trong việc trợ giúp cho các nạn nhân tái hoà nhập bền vững.
Khi tình trạng buôn bán người vẫn đang diễn biến phức tạp và những nạn nhân bị buôn bán trở về vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần tới sự trợ giúp; sự có mặt của những mô hình hỗ trợ như Ngôi nhà bình yên là thật sự cần thiết. Hy vọng rằng với các chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng chống buôn bán người đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và sự quan tâm của các cơ quan, ban, ngành; ngày càng có nhiều mô hình tương tự như Ngôi nhà bình yên với đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp để có thêm nhiều chị em phụ nữ không may bị buôn bán nhận được sự hỗ trợ cần thiết để có thể tái hoà nhập cộng đồng một cách bền vững.
                                                                                                                                                                    Theo Báo Quảng Ninh

Tin liên quan
Hạ Long: Nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình
Báo động nạn đuối nước với trẻ em
Đừng đánh cắp tuổi thơ của các em
Tháng hành động vì trẻ em tỉnh Quảng Ninh năm 2012: “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”
Văn phòng tiếp cận cộng đồng Vạn Hoa (Vân Đồn): Nỗ lực vượt khó
Vai trò của “cây cao bóng cả” ở Quảng Yên
Thực trạng mại dâm hiện nay: Vẫn còn nhiều phức tạp
Những chuyện buồn sau cánh cổng trường
Tai nạn thương tích trẻ em: Chưa đến hè đã nhức nhối
Ở nơi người nghiện “tái sinh”
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website
Bản đồ