Mái nhà bình yên cho dân cư làng chài Ước vọng không của riêng ai

 
Từ một vài nhà bè với vài chục nhân khẩu sinh sống tại khu vực Ba Hang, Cửa Vạn đến nay số cư dân sinh sống trên Vịnh Hạ Long đã lên tới gần 5.000 nhân khẩu. Do dân số phát triển quá nhanh, sự bùng nổ các hoạt động kinh doanh trên vịnh, môi trường bị ô nhiễm, nguồn lợi thuỷ sản ngày càng cạn kiệt đã khiến cho đời sống của cư dân làng chài ngày càng cơ cực. Thêm vào đó, thiên tai với chiều hướng ngày càng khắc nghiệt luôn đe doạ cuộc sống của họ. Chưa bao giờ khát vọng có một mái nhà bình yên trên đất liền lại nóng bỏng, cồn cào trong lòng những người dân chài vốn quen coi biển là nhà đến vậy.

Bấp bênh xóm chã  

Còn nhớ năm 2011, khi chúng tôi đến “xóm chã” Hang Ma, Vũng Thuý ngay sau khi cơn bão số 6 vừa đi qua, mặc dù hôm đó sóng yên biển lặng, song sự ám ảnh của cơn bão vẫn còn in hằn trên những khuôn mặt xạm đen, trên những chiếc bè dúm dó, xác xơ vì gió giật. Ấn tượng đó ám ảnh tôi suốt một mùa hè, mỗi khi nghe tin bão về tôi lại hình dung những người dân chài đang run rẩy nép mình trong những chiếc bè dúm dó, xung quanh là sóng gió gào thét.

Xóm chã Hang Ma là nơi khu trú của 52 hộ dân, thuộc sự quản lý của phường Bạch Đằng (TP Hạ Long). Tuy chỉ cách đất liền gần 1km nhưng dường như ở đây nền văn minh chưa chạm đến được. Hàng chục hộ dân sinh sống trên những chiếc bè được kết bằng tre, gỗ, bệ nổi làm bằng phao xốp, mái phủ bạt, ni lông. Trên những chiếc bè xiêu vẹo, rộng chừng 4m2 đó là nơi ăn uống, ngủ nghỉ của cả gia đình vạn chài. Cư dân xóm chã Hang Ma kiếm sống bằng chài, lưới đánh bắt ven bờ, bằng nghề cào hà và chèo mủng đón khách từ bờ ra thuyền mỗi khi nước cạn, thuyền không ghé được bờ. Một số hộ không có khả năng kiếm sống trên biển thì hàng ngày chèo mủng lên bờ, kiếm sống bằng nghề gánh nước thuê, rửa bát cho các hộ buôn bán ở chợ Hạ Long, tối đến lại chèo mủng về bè để ngủ.

Khác với làng chài Cửa Vạn, Bồ Nâu có nguồn gốc từ các làng chài cổ với bao đời cư trú sinh sống ổn định trên biển và có “tên tuổi” trong giới làng chài trên vịnh, thì cư dân Hang Ma, Vũng Thuý được tập hợp từ những cảnh đời phiêu dạt khắp nơi tìm về đây trú ẩn. Có lẽ vì thế mà những cảnh đời ở đây tuy mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều giống nhau ở sự nghèo khổ, thất học và bệnh tật.

Trong số hơn 20 người dân xóm chã mà chúng tôi gặp hôm đó có đến 4 người đang mắc bệnh nan y. Ông Nguyễn Văn Tâm, một cư dân Hang Ma cho biết: Nhà tôi có 8 người chui rúc trên chiếc thuyền vừa làm phương tiện mưu sinh vừa làm nơi trú ngụ. Mấy đứa con tôi, đứa thì nối nghiệp cha mẹ kiếm sống bằng đánh bắt ven bờ, đứa hàng ngày lên bờ bóc mực thuê. Thu nhập của 8 con người chỉ khoảng chừng 3 triệu đồng/tháng. Năm ngoái người con lớn của tôi là Nguyễn Văn Hoàng bị bệnh, cả nhà gom góp mãi mới được ít tiền để đưa lên bờ chữa bệnh. Bác sĩ bảo Hoàng bị bệnh tiểu đường cần phải có chế độ điều trị, ăn uống và làm việc hợp lý, nhưng nhà nghèo tiền ăn còn chưa đủ, lấy đâu ra tiền mua thuốc. Cùng cảnh với ông Tâm là gia đình bà Nguyễn Thị Minh. Bà Minh có hai người con, con trai lớn không may bị lốc xoáy làm lật thuyền chết năm 2006, để lại người vợ trẻ và đứa con gái chưa đầy 2 tuổi. Người mẹ trẻ không chịu nổi nghèo khổ đã để lại con cho bà nội bỏ lên bờ. Hiện bà Minh cùng đứa cháu sinh nhai bằng nghề bán hàng rong cho các cư dân trên biển. Hiện bà bị u xơ tử cung, đời sống của hai bà cháu rất khó khăn. Rồi bà Lần, bà Sinh - người thì bị bệnh bướu cổ, người bị thoái hoá cột sống không đi lại được nhưng không có tiền chữa trị. Và dù chỉ cách phường Bạch Đằng khoảng 1km nhưng đa số các công dân xóm chã Hang Ma đều không có thẻ bảo hiểm y tế.

Đã nghèo thì dù ở đâu cũng khổ, nhưng cái nghèo của những cư dân xóm chã còn cực hơn khi  biệt lập với cộng đồng, thiếu thốn đủ thứ, không điện, không nước ngọt, không trạm y tế, không trường học, không nhà văn hoá... Và cái hiện hữu là nỗi thấp thỏm mỗi khi mùa mưa bão đến, là cái đói nghèo, bệnh tật quấn chặt cuộc đời. Hầu hết cư dân Hang Ma đều mù chữ, một số gia đình cũng đã cố gắng cho con lên bờ học nhưng rồi đứa khá nhất cũng chỉ học hết lớp 1.

Rời Hang Ma, chúng tôi đến hang Bồ Nâu, nơi có khoảng 47 hộ dân và 50 nhân khẩu đang cư trú. So với Hang Ma, cuộc sống của người dân làng chài Bồ Nâu có khá hơn một chút. Khu vực Bồ Nâu được bao quanh bởi những ngọn núi nên sóng gió ở đây vô cùng yên bình, nhưng vì ở đây gần hang Bồ Nâu nên không được quy hoạch làm nơi cư trú của dân chài. Đã mấy lần làng chài Bồ Nâu bị cưỡng chế di dời đến khu vực Ba Hang, Cửa Vạn như chỉ được một thời gian mọi người lại kéo nhau về đây. Cụ Phạm Thị Oanh, 93 tuổi, cư dân cao niên nhất của làng chài Bồ Nâu kể: Gia đình tôi ở đây đã bốn đời. Theo kinh nghiệm của tổ tiên, đây là khu vực an toàn nhất để cư trú, kể cả năm bão to nhất làng chài Bồ Nâu vẫn bình an. Mấy năm trước, khi chính quyền yêu cầu di dời dân làng đến khu vực Ba Hang, Cửa Vạn, gặp bão chúng tôi bị sóng đánh tan tác, tưởng chết hết. Cũng giống như bao làng chài khác, làng chài Bồ Nâu sinh sống bằng nghề đánh bắt, khai thác hải sản và bán hàng rong trên biển, một vài hộ còn có nghề chèo thuyền chở khách du lịch vào tham quan hang Bồ Nâu.

Tuy có khá hơn Hang Ma nhưng đời sống của cư dân Bồ Nâu vẫn vô cùng chật vật, thiếu thốn trăm bề, không điện, nước, trường học, y tế. Chị Vũ Thị Biên, thành viên duy nhất biết chữ trong “tứ đại đồng đường” của đại gia đình cụ Nguyễn Thị Miên chia sẻ với chúng tôi: Cái khó khăn nhất của chúng em là tình trạng thất học, và chăm sóc y tế. Giống như bao làng vạn chài khác, làng chài Bồ Nâu tỉ lệ mù chữ chiếm trên 90% dân số. Những gia đình có điều kiện một chút, muốn cho con học chữ đành phải gửi về quê cho họ hàng, người thân nuôi giúp. Còn khi ốm đau phải vào đất liền khám, chữa bệnh. Từ đất liền ra Bồ Nâu, nếu đi bằng thuyền máy cũng mất hơn 1 giờ đồng hồ, mỗi khi có ca bệnh nặng mà lại xảy vào ban đêm thì thường gặp nhiều khó khăn. Cũng như những cư dân làng chài khác, cư dân Bồ Nâu cũng mong ước làng chài được đầu tư cải thiện để trẻ em có trường học, có cơ sở y tế để cư dân làng chài được khám chữa bệnh...    

Cụ ông Nguyễn Văn Vạn, năm nay 73 tuổi, một trong những cư dân cao niên của làng chài Bồ Nâu kể: Năm lên 5 tuổi, tôi được bố mẹ  dắt díu từ làng chài ở tận miền trong ra biển Hạ Long kiếm ăn. Thế rồi cha truyền con nối, mấy anh em nhà tôi lại tiếp tục nối nghiệp “chã” của bố mẹ. Hiện nay tôi tuổi đã cao không còn khả năng quăng chài, thả lưới nữa nên kiếm sống bằng nghề chèo thuyền đưa khách du lịch từ tàu lớn vào thăm làng Bồ Nâu. Tận sâu trong tâm khảm, ông Vạn vẫn đau đáu mơ về một miếng đất trên đất liền đủ để trồng vài luống rau, nuôi vài con gà, con lợn, hàng đêm được ngủ yên không sợ tiếng sóng gào và thoả nguyện được mong ước của bố mẹ được vùi nắm tro tàn trên đất liền.

Ước mơ không còn xa

Một mái nhà ổn định, được dựng trên đất, đó là ước mong của nhiều dân chài trên Vịnh Hạ Long. Và vấn đề đảm bảo an sinh cho cư dân sinh sống trên biển cũng như việc di chuyển một bộ phận dân cư có nguyện vọng lên bờ đang là tâm điểm được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Được biết hiện nay TP Hạ Long đang chuẩn bị lập đề án xây dựng khu tái định cư tại khu vực Cái Xà Cong phường Hà Phong, để làm nơi định cư cho dân cư làng chài lên bờ sinh sống. Dự kiến mỗi hộ khi lên bờ ở sẽ được cấp 100-120m2 đất và nhà nước sẽ đầu tư xây dựng cho một căn nhà rộng khoảng 60m2, đồng thời tạo điều kiện để chuyển đổi nghề nghiệp cho con em các gia đình có nhu cầu làm ăn ở trên bờ. Đối với những làng chài cố định trên biển chưa có nhu cầu lên bờ, thành phố sẽ tạo điều kiện để các làng chài ổn định, quy hoạch các làng chài đúng vị trí, đảm bảo giữ gìn môi trường cho Vịnh Hạ Long và người dân yên tâm làm ăn, sinh sống. Những thông tin này đang làm nức lòng bà còn làng chài sinh sống ven bờ Vịnh Hạ Long, dẫu rằng để thực hiện được điều đó không phải là một sớm một chiều, nhưng ước mơ có một ngôi nhà bình yên trên đất liền của người dân làng chài đang dần trở thành hiện thực.


Tin liên quan
Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công: Mái nhà chung ấm áp
Chắp cánh ước mơ cho trẻ em làng chài
Miễn, giảm giá vé giao thông công cộng cho người khuyết tật nặng
Thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật: Thêm những hồi chuông báo động.
Diện mạo mới của Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Quảng Ninh
Thực hiện chính sách an sinh xã hội: Chung tay vì người nghèo
Xã Quảng Thành (Hải Hà): Không để ma túy xâm nhập địa bàn
Thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn cho du lịch mùa hè trên sông nước và các bãi tắm
Trẻ em sẽ được quan tâm bảo vệ, chăm sóc đầy đủ, toàn diện nhất
Đẩy mạnh hoạt động nhân đạo, từ thiện tại Quảng Ninh
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website
Bản đồ