Giáo dục nhân cách cho trẻ bằng văn học


Giúp trẻ yêu thích văn học là việc mà ông bà, cha mẹ nên làm
Giáo dục nhân cách con người là một mục tiêu cao, cho cả đời người, nhưng lại cần được chuẩn bị sớm, ngay từ lúc một đứa trẻ vào đời. Ở lứa tuổi học mà chơi, chơi mà học, việc sử dụng văn học trong giáo dục nhân cách cho trẻ như một phương tiện giáo dục có ưu thế riêng là điều cha mẹ cần lưu tâm phát huy.
Kích thích trí tưởng tượng của trẻ qua ngôn ngữ, hình ảnh


Văn học có vai trò quan trọng trong việc giáo dục toàn diện nhân cách trẻ em. Văn học ảnh hưởng đến đời sống con người trên nhiều phương diện: đạo đức, trí tuệ và tình cảm, thẩm mĩ. Ở lứa tuổi mầm non, với tâm hồn thơ ngây, trong trắng, chưa có nhiều những trải nghiệm cá nhân, nhận thức về thế giới xung quanh còn ở mức cảm tính…, thì việc tiếp xúc với cái đẹp lấp lánh của ngôn từ và trí tưởng tượng phong phú trong tác phẩm văn học thiếu nhi sẽ là cơ sở để các em rung động và cảm nhận được vẻ đẹp về một thế giới bao la đầy âm thanh, màu sắc và sự huyền bí. 
 Trong truyện cổ tích, trẻ được gặp ông Bụt, bà Tiên tốt bụng với những phép biến hóa thần thông, những nàng công chúa xinh đẹp, những chàng hoàng tử thông minh, can đảm… Còn trong truyện thần thoại, các em lại được bắt gặp lối nhân hóa và sự tưởng tượng nghệ thuật. Ở đó, các con vật, cỏ cây, hoa lá hiện lên một cách sinh động, thể hiện tình cảm gắn bó sâu sắc giữa con người với thiên nhiên. Trẻ thơ vốn đã sẵn trong đầu trí tưởng tượng phong phú nên khi gặp những yếu tố kì ảo, đẹp đẽ trong các tác phẩm văn học, trí tưởng tượng ở trẻ càng được thăng hoa, giúp các em phát triển trí tuệ, biết thưởng thức cái đẹp, tâm hồn các em sẽ ngày càng trở nên nhạy cảm, tinh tế hơn.
 
Giúp trẻ phát triển vốn từ ngữ phong phú
 Văn học thiếu nhi có có vai trò quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Mảng văn học này như một nguời bạn đồng hành cùng trẻ thơ, cung cấp cho trẻ thơ một vốn từ ngữ khổng lồ, đặc biệt là những từ ngữ nghệ thuật. Khi trẻ thường xuyên tiếp xúc với các tác phẩm, vốn từ ngữ của các em phong phú và sống động hơn. Các em tự hình thành cho mình khả năng diễn đạt một vấn đề một cách mạch lạc, giàu hình ảnh và biểu cảm, bởi khi đọc tác phẩm văn chương, các em đã “vô thức” học được cách diễn đạt sinh động trong tác phẩm của nhà văn. 
 Đối với trẻ mầm non, sự phát triển ngôn ngữ qua hoạt động bắt chước lời nói, việc làm của các nhân vật hoặc những cách diễn đạt trong tác phẩm là rất hữu ích. Chính quá trình trẻ được nghe qua lối diễn cảm, được trực tiếp tham gia vào hoạt động đọc, kể lại truyện thơ sẽ giúp trẻ tích lũy và phát triển thêm nhiều từ mới. Điều này giúp trẻ có thể dễ dàng hơn trong việc rèn luyện khả năng biểu cảm trong ngôn ngữ nói, ngôn ngữ miêu tả, ngôn ngữ đối thoại...
 

 Đọc sách thường xuyên giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, trí tưởng tượng và khả năng tư duy. Ảnh: KT
 
Làm sao để con trẻ yêu văn học trong thời đại Internet?
 Bởi trẻ em ở lứa tuổi mầm non là những “bạn đọc đặc biệt”, chưa biết đọc, biết viết, nên việc tiếp xúc với văn học thiếu nhi chủ yếu là qua lời đọc, lời kể của ông bà, cha mẹ, thầy cô... Trong môi trường giáo dục gia đình, cha mẹ cần tác động đến nhân cách trẻ em thông qua con đường văn học, đặc biệt, cần quan tâm đến sở thích của trẻ nhỏ. Các em vốn rất yêu cái cái đẹp, cái tốt, cái thực, vì vậy, các bậc cha mẹ cần nắm được những đặc điểm tâm lí của trẻ để thỏa mãn những nhu cầu ấy một cách tự nhiên. Những hình tượng nghệ thuật giàu giá trị nhân văn kết hợp vần điệu, nhạc điệu trong tác phẩm sẽ gây được những ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn trẻ thơ, tác động nhẹ nhàng đến nhận thức, tư tưởng tình cảm ở trẻ. Điều quan trọng là hiện nay, cha mẹ phải biết gây hứng thú với trẻ trong việc đọc tác phẩm văn học giữa bao nhiêu trò chơi trên Internet và những thú vui khác đang lôi kéo trẻ xa rời việc đọc sách.
 Việc bồi dưỡng cho trẻ lòng yêu mến với văn học dân gian, yêu những câu chuyện cổ tích, những bài ca dao chan chứa tình người phải bắt đầu từ sự tác động của ông bà, cha mẹ. Một hạn chế lớn của các bà mẹ trẻ là không am hiểu nhiều văn học dân gian nên khó có thể truyền thụ cho trẻ. Nếu chúng ta hiểu được vai trò và sức mạnh giáo dục của văn học đối với trẻ em thì việc phát huy phương tiện giáo dục này có lẽ là một điều cần thiết để làm thay đổi những cách giáo huấn khô khan, những lời dạy dỗ cứng nhắc mà lâu nay chúng ta vẫn nói với trẻ. 
Trẻ em ngày nay ít đọc sách, ngày càng xa rời văn học cũng bởi tại, ở nhà, cha mẹ chưa biết hướng dẫn cho các con; ở trường, việc giảng dạy văn học ngày càng khô khan, công thức, chưa lôi kéo được học sinh vào niềm đam mê văn chương. Nếu biết khơi gợi cảm xúc và niềm yêu thích đọc sách ở trẻ, thì khả năng tác động của văn học đến tâm hồn và trí tuệ, nhân cách của con người vẫn luôn là một sức mạnh kì diệu và tinh tế nhất.
                            

                                                                                                                                                                                    Theo treem.gov.vn


Tin liên quan
Giảm tỷ lệ hộ nghèo 1% - 1,5%/năm
Giảm thiểu tác hại trong mại dâm - Bảo đảm an toàn, sức khỏe và quyền con người
Gần 48.400 tỷ đồng cho giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020
Đội tình nguyện giúp người có H
Đội tình nguyện cầu nối giúp người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng
Đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam làm việc tại Quảng Ninh
Đề xuất quy định mới về hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội
Để người khuyết tật hoà nhập cộng đồng
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Nhiều chuyển biến tích cực
Chung tay vì người nghèo
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website
Bản đồ