Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ và những phương pháp can thiệp đối với trẻ

1.       Khái niệm chậm phát triển ngôn ngữ
Chậm phát triển về ngôn ngữ là sự chậm hơn về sự phát triển hay cơ chế sử dụng lời nói. Lời nói bao hàm quá trình tạo ra âm thanh, như việc sử dụng các cơ quan bộ phận như phổi, dây thanh quản, miệng, môi, lưỡi, và răng… Chậm phát triển về ngôn ngữ là chậm về sự phát triển hay sử dụng ngôn ngữ.
Trẻ bị chậm ngôn ngữ có thể gặp một số vấn đề về xã hội và cảm xúc (ngại giao tiếp, thiếu kỹ năng giao tiếp, tức giận vì không thể hiện được nhu cầu…), và có thể ảnh hưởng đến tâm lý (tự ti, thu mình).
* Nguyên nhân trẻ chậm phát triển ngôn ngữ

Yếu tố môi trường 

- Kỹ năng về ngôn ngữ không được sự quan tâm đúng mức của các bậc phụ huynh trong việc dạy trẻ  (bố mẹ chỉ tập trung dạy các kỹ năng khác như: đi, đứng…)
- Trẻ song sinh hoặc sinh dày làm ảnh hưởng tới chất lượng chăm sóc trẻ của bố mẹ do  không có thời gian.
- Trẻ là con thứ trong gia đình và anh/chị của trẻ là những trẻ có khả năng giao tiếp quá tốt, hay người thân trong gia đình luôn đoán trước được ý muốn của trẻ làm cho trẻ không cần phải nói nhiều vẫn đạt được điều mình muốn nên “ lười” giao tiếp hoặc có ít cơ hội để tham gia các cuộc hội thoại với mọi người xung quanh.
-  Trẻ không giao tiếp hoặc ít được quan tâm trong môi trường nuôi giữ ngoài gia đình.
- Trẻ sinh trưởng trong môi trường giao tiếp bằng hai hoặc nhiều ngôn ngữ.
-  Chất lượng sống hạn chế như: nghèo đói, suy dinh dưỡng, thiếu sự quan tâm, chăm sóc, môi trường sống gây áp lực (stress)…
-  Bị ngược đãi, không được quan tâm hoặc ít khi được nói chuyện giao tiếp với bố mẹ.
Yếu tố thể chất
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới chậm phát triển ngôn ngữ, phổ biến là các nguyên nhân sau:
- Chậm phát triển ngôn ngữ thường thấy ở trẻ chậm phát triển và đây cũng là một trong những dấu hiệu đầu tiên để phát hiện triệu chứng của các bệnh có liên quan đến chậm phát triển. Chậm phát triển trí tuệ gây ra chậm phát triển ngôn ngữ toàn diện bao gồm cả chậm phát triển thính giác hoặc sử dụng các sắc thái biểu cảm.
- Khiếm thính cũng là một nguyên nhân phổ biến của chậm phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Trẻ sẽ gặp phải vấn đề về ngôn ngữ khi không nghe được nội dung giao tiếp một cách liền mạch và rõ ràng. Mặc dù khiếm thính có thể ảnh hưởng rõ nét tới mức độ phát triển ngôn ngữ. Nhìn chung, vấn đề khiếm thính tỷ lệ thuận với vấn đề chậm phát triển kỹ năng ngôn ngữ.  Trẻ bị khiếm thính bẩm sinh hoặc bị điếc càng bị chậm ngôn ngữ trầm trọng cho dù khiếm khuyết được phát hiện sớm và can thiệp sớm trong những năm đầu đời.
-  Khiếm thị cho dù không có dấu hiệu khiếm khuyết về tư duy thần kinh, nhưng cũng làm chậm khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ, do trẻ không thể tiếp xúc với ngôn ngữ không lời, ngôn ngữ viết và môi trường giúp trẻ hình thành ngôn ngữ xung quanh.
-  Sinh non, nhiễm trùng khi sinh
-  Bại não, Down
- Tự kỷ
- Tổn thương não bộ
- Hội chứng asphia, nghĩa là thiếu khả năng thấu hiểu  hoặc hạn chế khả năng phản ứng với giao tiếp nói mà trẻ nghe được, xuất phát từ các tổn thương tại não.
- Hội chứng hạn chế năng lực biểu đạt ngôn ngữ: không có khả năng nói hoặc viết mặc dù có khả năng hiểu được ngôn ngữ do nguyên nhân thiếu dinh dưỡng, tổn thương tại não bộ hoặc các yếu tố di truyền.
Những khiếm khuyết về hệ thống thần kinh chiếm tới 50% nguyên nhân gây nên những hạn chế về ngôn ngữ ở trẻ thuộc nhóm này.
*Dấu hiệu chậm phát triển ngôn ngữ của trẻ
-  Giai đoạn từ 12 đến 14 tháng tuổi:
+ Không sử dụng điệu bộ, cử chỉ, chẳng hạn chỉ hoặc vẫy tạm biệt khi được 12 tháng tuổi
+ Thích dùng cử chỉ hơn là lời nói để giao tiếp khi đến 18 tháng tuổi
+ Không bắt chước được âm thanh khi 18 tháng tuổi
+ Có khó khăn trong việc hiểu các yêu cầu đơn giản
-  Giai đoạn từ 2 đến 3 tuổi:
+ Chỉ có thể bắt chước âm thanh hoặc hành động và không tự mình phát âm từ hoặc các cụm từ
+ Chỉ nói một số âm thanh hoặc từ nào đó lặp đi lặp lại và không thể sử dụng ngôn ngữ nói để trò chuyện ngoài những nhu cầu thiết yếu
+ Không thể tuân theo các chỉ dẫn đơn giản
+ Có giọng nói khác thường (nghe như giọng mũi hoặc the thé hoặc bắt chước tiếng con vật trong phim)
+ Khó khăn trong việc hiểu ở tuổi này. Bố mẹ phải hiểu được khoảng một nửa số từ trẻ nói ra khi 2 tuổi và khoảng 3/4 vào lúc 3 tuổi. Vào năm trẻ lên 4, thậm chí người lạ cũng phải hiểu được trẻ nói gì.
Như vậy, với một trẻ chậm nói, thường thì  dễ dàng phát hiện ra trong khoảng từ 1 đến 3 tuổi với những hạn chế về phát âm và vốn từ, và khả năng cải thiện sẽ kéo dài cho đến năm trẻ được 6 - 7 tuổi.
Quá thời điểm này, khả năng phát triển ngôn ngữ sẽ hết sức khó khăn.         
* Các dấu hiệu do những nguyên nhân đặc thù:
- Chậm phát triển ngôn ngữ do môi trường, các biểu hiện bao gồm: trẻ không đạt các ngưỡng phát triển ngôn ngữ thông thường, chậm phát triển ngôn ngữ so với các trẻ cùng lứa ít nhất 1 năm, không có khả năng làm theo hướng dẫn, sau 3 tuổi nói vẫn chậm và khó hiểu, đặc biệt khó khăn với cú pháp của câu (không thể sắp xếp câu theo một thứ tự đúng), phát âm một cách khó khăn trong đó bao gồm không phát âm được, phát âm không chính xác một số âm nhất định.
- Chậm phát triển ngôn ngữ do chậm phát triển trí tuệ: những trẻ có khiếm khuyết về trí lực thông thường vẫn bi bô, bập bẹ suốt năm đầu đời và có thể nói được những từ đầu tiên giống như trẻ thông thường. Tuy nhiên, trẻ thường không làm được những điều sau: Ghép các từ với nhau, nói một câu hoàn chỉnh,vốn từ vựng không phong phú, không phát triển về mặt ngữ pháp câu.Những trẻ này thường có xu hướng nhắc lại hoặc nói theo một thứ tự nhất định, ít sự sáng tạo. Tuy nhiên, quá trình phát triển về mặt từ vựng và ngữ pháp thường diễn ra  theo một trình tự không có quá nhiều sự khác biệt đối với trẻ phát triển bình thường. Nhìn chung, mức độ nghiêm trọng của vấn đề chậm phát triển ngôn ngữ ở từng trẻ phụ thuộc vào mức độ chậm phát triển của trí lực. Có thể chia thành các mức độ sau:
+ Mức độ thấp (chỉ số IQ từ 52-68) thông thường cuối cùng  kỹ năng ngôn ngữ vẫn phát triển.
+ Mức độ  bình  thường  (chỉ số IQ từ 36–51): có thể vẫn học nói và học giao tiếp.
+ Mức độ nghiêm trọng (IQ từ 20-35):  ngôn ngữ hạn chế nhưng vẫn có thể nói  được một số từ.
- Hội chứng Down, bại não và một số các bệnh khác thì vấn đề chậm phát triển ngôn ngữ có thể rất nghiêm trọng, trẻ có thể không có ngôn ngữ hay không thể phát âm tròn tiếng, không tạo được thành từ hay câu hoàn chỉnh và cũng không thể biểu đạt ý muốn của mình bằng ngôn ngữ. 
- Chậm phát triển ngôn ngữ do khiếm thính bao gồm: Tập nói chậm hơn mức thông thường, ít tập nói và dù có bập bẹ được nhưng không phong phú, nói được những từ đầu tiên vào năm 2 tuổi hoặc lớn hơn, đến khi 4-5 tuổi mới nói được câu gồm 2 từ đối với các trẻ bị điếc.
- Tự kỉ: có khoảng 50% trẻ tự kỷ  không thể nói, phát triển ngôn ngữ. Đối với những trẻ có khả năng nói được thì lại thường bị chậm phát triển ngôn ngữ khá trầm trọng.Các trẻ hiếm khi tham gia các cuộc đàm thoại và nếu có thì với một ngữ điệu và mức độ không giống như trẻ phát triển thông thường. Đối với một số trẻ, ngôn ngữ mà trẻ sử dụng nghe như đang hát  hoặc xướng âm.
- Trẻ khiếm thị: tốc độ phát triển vốn từ vựng của trẻ khiếm thị bẩm sinh thông thường chậm hơn so với trẻ cùng tuổi khoảng 8 tháng.  Mặc dù ngôn ngữ của trẻ phát triển cũng theo một lộ trình như các trẻ bình thường khác nhưng trẻ có thể ít khi tham gia vào việc trao đổi, nói chuyện.
- Trẻ mắc hội chứng hạn chế khả năng hiểu: vốn từ của trẻ vừa chậm phát triển vừa thưa thớt, nghèo nàn,  không có ngữ pháp và được phát âm cũng không thực sự chuẩn xác. Nhóm trẻ này cũng thường chậm nói so với trình độ phát triển bình thường.Trẻ có những tổn thương nhất định ở vùng ngôn ngữ ở một bên của não bộ cũng có hiện tượng chậm phát triển ngôn ngữ ban đầu nhưng những biểu hiện thường rất khác nhau. Thông thường ngôn ngữ của bé sẽ đạt mức độ bình thường khi đạt tới độ tuổi 4-5.
- Rối loạn khả năng nói thường ảnh hưởng tới khả năng  phối hợp và phát âm các âm, âm tiết, và các từ. Trẻ gặp rối loạn khả năng nói biết trẻ muốn gì nhưng não bộ lại không có khả năng truyền dẫn các tín hiệu một cách chính xác tới môi, hàm cũng như lưỡi để hình thành các từ.Thêm vào đó, chậm phát triển ngôn ngữ dạng này thường gây ra những vấn đề khác về các hạn chế về thể hiện bằng ngôn từ. 
2.  Phương pháp can thiệp đối với trẻ chậm phát triên ngôn ngữ
*  Chẩn đoán trẻ chậm phát triển ngôn ngữ
Việc chẩn đoán  chậm phát triển ngôn ngữ đòi hỏi những xét nghiệm thể chất toàn diện kết hợp với việc xem xét lịch sử phát triển của trẻ trong đó đặc biệt là các mốc quan trọng của quá trình phát triển ngôn ngữ. Đối với các trẻ nhỏ, không dễ dàng để phân biệt giữa việc trẻ “chậm” và việc trẻ mắc các hội chứng bệnh lý về phát triển ngôn ngữ và biểu đạt bằng ngôn ngữ. Thông thường việc trẩn đoán sẽ được tiến hành bởi các chuyên gia chuyên ngành...Việc chậm phát triển ngôn ngữ được suy đoán dựa trên các mốc phát triển và là cơ sở để đưa ra giả định có liên quan đến mức độ phát triển trí tuệ của trẻ.
*  Các bước xác định vấn đề chậm ngôn ngữ của trẻ:
- Bước 1: Theo dõi bệnh sử và khám thể chất
+ Bệnh sử lúc mới sinh, sinh non, nhiễm trùng khi sinh...
+ Khám toàn diện, tăng trưởng dị dạng, thần kinh...
- Bước 2: Đánh giá về thính lực
+ Trước hết phải loại bỏ được khả năng trẻ có bị khiếm thính hay không
+ Không thể chỉ dựa vào báo cáo của bố mẹ vì trẻ có thể bị điếc nhẹ, hay điếc một bên mà bố mẹ trẻ không hay biết. Khiếm thính nhẹ, hoặc khiếm thính một bên cũng có thể là nguyên nhân gây ra chậm phát triển ngôn ngữ.
- Bước 3: Sử dụng các test sàng lọc
+ Test Denver II: Đánh giá tâm vận động cho trẻ từ 0 đến dưới 6 tuổi trong đó có đánh giá về sự phát triển ngôn ngữ. Trắc nghiệm Denver giúp phát hiện sớm những tình trạng chậm phát triển ngay từ trong giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi. Trắc nghiệm Denver có tác dụng “tầm soát” hay còn gọi là “sàng lọc” những tình trạng chậm phát triển, nghĩa là sau khi thực hiện trắc nghiệm, ta có thể kết luận được là trẻ phát triển tốt (bình thường) hoặc có tình trạng chậm phát triển (trong đó có chậm phát triển ngôn ngữ). Tuy nhiên, việc định bệnh chính xác thể loại và nguyên nhân của tình trạng chậm phát triển thì cần phải có thêm những phương pháp thăm khám y khoa và tâm lý phát triển chuyên sâu hơn.
+ Test PEP R: Bản lượng giá mức độ phát triển của trẻ em, với đầy đủ mọi thông tin cần thiết. Đây là một phương tiện giáo dục phù hợp với các bậc phụ huynh, giáo viên quan tâm đến sự phát triển của trẻ em. Trắc nghiệm bao gồm 174 bài đánh giá thuộc 7 lĩnh vực phát triển khác nhau, được hòa trộn lẫn lộn vào nhau, trong đó có lĩnh vực phát triển ngôn ngữ của trẻ.
- Bước 4: Đánh giá sâu
Sử dụng các test IQ, test di truyền, test chẩn đoán tự kỉ...
*  Các phương pháp trị liệu cho trẻ em chậm phát triển ngôn ngữ
- Phương pháp trị liệu bằng vận động thể chất: (Physical therapy): Giúp giải quyết các hạn chế
- Tâm lý học: áp dụng đối với trường hợp các trẻ hạn chế phát triển ngôn ngữ do trầm cảm, căng thẳng…
- Tâm vận động: Thông thường được kết hợp chặt chẽ với Điều hoà cảm giác giúp trẻ phục hồi các kỹ năng vận động cơ bản song song với việc phục hồi hoạt động mang tính chức năng ở các vùng ngôn ngữ, bao gồm vùng tiếp nhận và vùng phản ánh ngôn ngữ của não bộ. 
- Điều hoà cảm xúc: Các bài tập thể chất tập trung vào mục đích cân bằng cảm giác giúp hệ thống cảm giác của trẻ phát triển liền mạch và bình thường, qua đó não bộ được dẫn truyền thông tin tốt hơn, làm khả năng học và tiếp thu tăng lên
- Đa phương pháp: Thông thường, để giải quyết tận gốc vấn đề, các phương pháp thường được kết hợp với nhau và thông thường để đạt hiệu quả cao nhất thường ít nhất được kết hợp với các hoạt động vui chơi giải trí (Play therapy và Music therapy): chơi mà học, học mà chơi để việc học và hồi phục các chức năng về ngôn ngữ được diễn ra thêm phần hứng thú.
*  Một số điều cần lưu ý khi can thiệp cho trẻ:
- Hãy quan sát để xác định mức độ tình trạng của trẻ để sử dụng các phương pháp, kiến thức ở trình độ phụ hợp (theo tuổi, theo sở thích, theo nguyên nhân, mức độ)
- Thường xuyên sử dụng ngôn ngữ khuyến khích để trẻ nói nhiều hơn.
- Cũng do những hạn chế về thể chất/trí lực mà việc điều trị phục hồi ngôn ngữ ở trẻ cần phải được hỗ trợ bởi các giáo cụ dưới dạng đồ chơi chức năng được thiết kế đặc biệt. Các dụng cụ, đồ chơi này giúp trẻ phát triển thể chất bình thường  thông qua đó giúp điều hoà cảm giác (5 giác quan) để  khắc phục các “ lỗi” trong quá trình truyền dẫn thông tin (đầu vào) phản ánh, xử lý và phản hồi thông tin (đầu ra) để việc hiểu và phản ứng (diễn đạt) của trẻ trong từng tình huống đạt mức chuẩn mức. Ngoài ra, còn có các trò chơi giao tiếp. Các trò chơi này đôi khi không cần có bắt kỳ một dụng cụ hay đồ chơi nào hỗ trợ, chỉ đơn giản là cách bạn trao đổi, giao tiếp và gợi mở đối với trẻ để “kích thích”, “định hướng”, trợ giúp tư duy của trẻ để giúp trẻ không chỉ phát triển được từ vựng, hay tư duy ngôn ngữ mà thông qua đó hiểu biết được hành vi ứng xử đúng trong từng hoàn cảnh được đề cập.
- Cách biểu đạt ngôn ngữ khi tiếp xúc trao đổi với trẻ phải rõ ràng, có ý nghĩa thông điệp.
- Khi dạy trẻ hãy chia nhỏ thành các bước, đặt các mục tiêu sát và cụ thể để áp dụng biện pháp phù hợp.
- Dù trẻ ở mức độ nào và có triệu chứng gì: thì hãy nhớ, gia đình và bố mẹ là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc giúp trẻ phục hồi về mức độ phát triển bình thường. Thời gian ở bên cạnh gia đình và thái độ của bố mẹ trong việc dạy trẻ; phối hợp với nhà trường, các chuyên gia trị liệu để củng cố các bài học của trẻ là yếu tố không thể thiếu trong quá trình trị liệu.
 

Tin liên quan
Câu hỏi: Rối nhiễu tâm trí là gì?
Câu hỏi: Những nguyên nhân và các vấn đề liên quan đến rối nhiễu tâm trí, bệnh tâm thần ở trẻ em?
Câu hỏi: Hậu quả của rối nhiễu tâm trí đối với trẻ em?
Câu hỏi: Tại sao cần có người chăm sóc trẻ trong hoạt động chăm sóc, nhận biết và phòng tránh rối nhiễu tâm trí ở trẻ em
Câu hỏi: Sự phát triển tâm lý của trẻ từ 12 đến 24 tháng tuổi
Câu hỏi: Sự phát triển tâm lý trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi?
Câu hỏi: Sự phát triển tâ, lý trẻ từ 3 đến 4 tuổi?
Câu hỏi: Sự phát triển tâm lýtrẻ từ 4 đến 5 tuổi
Câu hỏi: Sự phát triển tâm lý trẻ từ 5 đến 6 tuổi?
Câu hỏi: Cha mẹ cần làm gì khi có con bị rối nhiễu tâm trí?
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website
Bản đồ