Rối loạn tăng động giảm chú ý, đặc trưng, biểu hiện và phương pháp trị liệu

Những vấn đề chung về rối loạn tăng động giảm chú ý
1.      Khái niệm rối loạn tăng động giảm chú ý
Rối loạn tăng động giảm chú ý (tiếng Anh là Attention Deficit Hyperactivity Disorder - viết tắt là ADHD). Rối nhiễu tăng động giảm chú ý là một dạng rối loạn phát triển thường gặp trong thực hành lâm sàng tâm thần học trẻ em. Theo “Sổ tay chẩn đoán và thống kê những rối nhiễu tâm thần - IV” (1994) (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 4th Edition - DSM - IV), rối nhiễu tăng động giảm chú ý là biểu hiện quá mức tình trạng không tập trung chú ý, hoạt động không kiểm soát và tăng hoạt động, làm ảnh hưởng đến việc học tập, phát triển cảm xúc và kĩ năng xã hội của trẻ. Phần lớn các trường hợp thường có biểu hiện triệu chứng giảm chú ý kết hợp với rối loạn tăng động
1.      Đặc trưng, đặc điểm của rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ
Đặc tính cơ bản của rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một mô hình hằng định bao gồm sự giảm chú ý (inattention) và/hoặc trạng thái tăng động bồng bột (hyperactivity-impulsivity) xảy ra ở mức độ thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn những gì được thấy ở các cá nhân có cùng độ tuổi phát triển.
- Rối loạn tăng động giảm chú ý biểu hiện bằng 3 đặc trưng chính:
+ Giảm sự chú ý: biểu hiện bằng sự bỏ dở các hoạt động trong khi chưa hoàn thành nên thường không hoàn thành tốt công việc. Thường chuyển một cách nhanh chóng từ hoạt động này sang hoạt động khác, không chú ý đến công việc đang làm vì thường bị hấp dẫn bởi một công việc khác. 
+ Tăng hoạt động: biểu hiện bằng sự hoạt động quá mức, đặc biệt trong những hoàn cảnh đòi hỏi có sự yên tĩnh. Trẻ thường chạy nhảy liên tục, hoặc đứng dậy khỏi chỗ trong khi được yêu cầu ngồi yên, nói nhiều quá mức và làm ồn ào, hoặc cựa quậy không ngừng trong khi ngồi. 
+ Thiếu kiềm chế: biểu hiện bằng sự thiếu kiểm soát trong các mối quan hệ xã hội, sự dại dột trong những hoàn cảnh nguy hiểm, sự coi thường các quy tắc xã hội một cách xung động là nét đặc trưng của trẻ có rối loạn này.
- Đặc điểm nổi bật của rối loạn này là người bệnh không thể duy trì sự tập trung chú ý cần thiết vào một sự vật, một chủ đề, một công việc nào đó. Điều này dẫn đến hậu quả là xuất hiện những triệu chứng tăng vận động, người bệnh luôn hoạt động nhưng lại không thể hoàn tất một công việc nào đó khi được yêu cầu, được giao phó. Trẻ mắc rối loạn này thường được xem là những đứa trẻ cứng đầu, bướng bỉnh, quậy phá, không nghe lời, làm cho những người xung quanh hết sức mệt mỏi, ở tuổi đến trường rất khó hoà đồng với các bạn bè cùng trang lứa.
- Từ 3 - 7% trẻ ở lứa tuổi học đường mắc rối loạn này, trẻ nam mắc nhiều hơn trẻ nữ. Tỷ lệ từ 2,5 đến 5,6 trẻ nam trên một trẻ nữ.
3.  Biểu hiện của tăng động giảm chú ý ở trẻ em
Tăng động giảm chú ý là bệnh lấy đi khả năng tập trung và chú ý của trẻ. Trẻ bị tăng động luôn bồn chồn và dễ sao lãng. Kết quả là sẽ rất khó để yêu cầu trẻ lắng nghe cô giáo giảng hay hoàn thành tốt một việc việc nhà. 
- Biểu hiện chính của tăng động giảm chú ý là không thể tập trung vào bất cứ việc gì. Trẻ gặp các rắc rối khi lắng nghe ai đó nói, hướng dẫn; hoàn thành nhiệm vụ hay một sinh hoạt cá nhân nào đó. 
- Trẻ cũng thường hay mơ mộng và thường mắc lỗi. Trẻ mắc bệnh có xu hướng tránh các hoạt động đòi hỏi sự tập trung hay có thể gây ra sự buồn chán.
- Một đặc điểm khác không thể thiếu đối với chứng tăng động giảm chú ý là trẻ không thể ngồi yên một chỗ. Trẻ có thể chạy nhảy liên tục không ngơi nghỉ, dù ở bất kỳ điều kiện, không gian nào.Khi chúng ngồi xuống, chúng có xu hướng ngọ ngoậy, bồn chồn hoặc nhún nhẩy. 
- Một số trẻ bị tăng động giảm chú ý sẽ nói quá nhiều và thường khó chơi trong yên lặng.
- Biểu hiện thứ 5 của tăng động giảm chú ý là tính bốc đồng, tức là thường xuyên cắt ngang, phá vỡ những thứ khác hay buộc miệng trả lời trước khi giáo viên kết thúc câu hỏi. Biểu hiện này của chứng tăng động giảm chú ý cũng gây ra khó khăn khi trẻ phải chờ đợi hay suy nghĩ điều gì đó trước khi hành động.
- Sự giảm chú ý có thể được biểu hiện trong học tập, trong làm việc, hoặc trong các tình huống xã hội:
+ Những người có rối loạn này có thể thất bại trong việc phải tập trung chú ý nhiều vào các chi tiết hoặc có thể phạm phải những lỗi lầm do bất cẩn trong học tập cũng như trong các công việc khác. Công việc thường là bề bộn và được thực hiện một cách bất cẩn, không suy tính.
+ Trẻ thường thấy khó khăn trong việc duy trì sự chú ý đến công việc hoặc các hoạt động chơi, và thấy khó theo đuổi công việc cho đến khi hoàn tất. Trẻ thường biểu hiện như thể đang đặt tâm trí ở đâu đâu hoặc như thể chẳng nghe thấy những gì người khác nói.
+ Trẻ có thể thường xuyên chuyển từ một công việc chưa hoàn tất sang làm một công việc khác. Những trẻ được chẩn đoán là có rối loạn này thường chuyển đổi hết việc nọ sang việc kia mà chẳng làm xong một việc nào cả.
+ Trẻ thường không tuân theo những yêu cầu, chỉ dẫn và không thể hoàn tất các bài tập ở trường, công việc nhà, cùng những trách nhiệm khác. Thất bại trong việc hoàn tất công việc nên được xem xét đến khi chẩn đoán chỉ khi tình trạng này là do sự giảm chú ý mà không giải thích được bằng các lý do khác (chẳng hạn như khi trẻ không hiểu được các hướng dẫn).
+ Những trẻ này thường gặp khó khăn trong việc tổ chức các công việc và các hoạt động. Những công việc đòi hỏi duy trì những cố gắng về tinh thần cũng được trẻ cảm thấy khó chịu và chẳng thích thú gì. Kết quả là những trẻ này thường đặc biệt tránh né hoặc không thích những hoạt động nào đòi hỏi khả năng vận dụng sáng tạo và cố gắng tinh thần hoặc những việc cần đến khả năng tổ chức hoặc tập trung chú ý cao (như công việc viết lách, làm bài tập ở nhà...). Sự tránh né này phải là do những khó khăn của đương sự về khả năng chú ý, chứ không phải do một thái độ chống đối nguyên phát (primary oppositional attitude), mặc dù sự chống đối thứ phát (secondary oppositionism) cũng có thể xảy ra. Các thói quen làm việc thường bị rối loạn và những vật liệu cần thiết để làm việc cũng thường bị để rơi vãi, thất lạc, sử dụng một cách bất cẩn, hoặc bị làm cho hư hỏng.
+ Những trẻ này thường dễ trở nên xao lãng bởi những kích thích không đáng và thường gián đoạn những công việc đang làm để chú ý đến những tiếng động hoặc những sự việc tầm thường mà những người khác thường dễ dàng bỏ qua (như tiếng còi xe, hoặc tiếng người khác nói chuyện). Trẻ cũng thường hay quên các công việc hằng ngày (thất hẹn, quên ăn trưa...). Trong các tình huống xã hội, sự giảm chú ý còn có thể được biểu hiện dưới dạng thường xuyên thay đổi đề tài khi nói chuyện, không lắng nghe người khác, không để tâm vào cuộc hội thoại, hoặc không tuân theo các chi tiết và luật lệ của các trò chơi và các hoạt động.
- Trạng thái lăng xăng tăng động có thể được biểu hiện bởi sự bồn chồn hoặc uốn éo người khi ngồi, ngồi không yên, chạy nhảy quá đáng trong những tình huống không thích hợp, khó khăn khi chơi hoặc tham gia vào những hoạt động chơi có tính tĩnh lặng, dường như lúc nào cũng di chuyển (“on the go”) hoặc như thể đang “ngồi lái môtô”, hoặc nói quá nhiều:
+ Sự tăng động có thể thay đổi tùy theo tuổi và mức độ phát triển của đứa trẻ, và việc chẩn đoán nên được thiết lập một cách thận trọng ở những trẻ nhỏ.
+ Những trẻ biết đi chập chững hoặc trẻ chưa đến tuổi đi học bị rối loạn này có biểu hiện khác biệt với những trẻ nhỏ tăng động bình thường: trẻ thường xuyên di chuyển và xen vào mọi chuyện1; trẻ thường chồm tới chồm lui, “lao ra khỏi nhà khi chưa kịp mặc áo”, leo trèo hoặc chạy nhảy trên bàn ghế, chạy quanh khắp nhà, khó tham gia vào một sinh hoạt nhóm của các trẻ nhỏ phải ngồi yên một chỗ (như ngồi nghe kể chuyện).
+ Những trẻ ở tuổi đến trường biểu hiện những hành vi tương tự nhưng với mức độ ít hơn và ít thường xuyên hơn những trẻ nhỏ. Trẻ thường thấy khó khăn khi phải ngồi yên, thường xuyên đứng dậy, uốn éo người hoặc đu đưa người trên mép ghế. Trẻ không ngừng máy mó đồ vật, đập tay, đung đưa chân một cách quá đáng. Trẻ thường rời khỏi bàn ăn đang trong khi dùng bữa, bỏ đi khi đang xem ti vi, hoặc trong khi đang làm bài tập ở nhà; và trong khi làm những công việc tĩnh lặng, trẻ cũng thường gây nên những tiếng động ồn ào. Ở tuổi thiếu niên và người lớn, triệu chứng tăng động có thể biểu hiện dưới hình thức những cảm giác không yên hoặc khó tham gia các hoạt động có tính chất tĩnh tại.
- Tính bốc đồng, bồng bột (impulsitivity) thể hiện qua sự mất kiên nhẫn, khó kềm chế các đáp ứng, buộc miệng trả lời trước khi người khác kết thúc câu hỏi, khó chờ đợi đến phiên mình, thường ngắt lời hoặc quấy rầy người khác đến mức gây ra những khó khăn trong các môi trường xã hội, học tập và làm việc. Những người khác có thể than phiền rằng họ không thể nói xen vào một lời nào. Những người có rối loạn này đặc biệt hay đưa ra những lời bình luận khi chưa đến phiên mình, không thể lắng nghe những chỉ dẫn, mở đầu câu chuyện không đúng lúc, gián đoạn công việc người khác một cách quá mức, quấy rầy người khác, đoạt lấy đồ vật từ người khác, đụng chạm những đồ vật mà họ không được phép đụng đến, và hay “làm hề”. Tính lăng xăng bồng bột cũng thường dẫn đến những tai nạn (đánh cắp đồ vật, đánh người, vồ phải một chiếc chảo nóng...) hoặc dấn mình vào những hoạt động nguy hiểm không kể đến hậu quả (ví dụ: trượt tuyết trên một địa hình quá ghồ ghề).
- Các biểu hiện hành vi thường xuất hiện trong nhiều hoàn cảnh, bao gồm ở nhà, ở trường, trong công việc và trong các tình huống xã hội.
+ Để thiết lập một chẩn đoán, các tình trạng kém chức năng phải hiện diện trong ít nhất hai hoàn cảnh môi trường khác nhau. Sẽ là điều không bình thường khi một người biểu hiện cùng một mức độ kém chức năng trong tất cả mọi hoàn cảnh môi trường hoặc trong cùng một môi trường ở mọi thời điểm khác nhau.
+ Các triệu chứng đặc biệt trở nên xấu hơn trong những tình huống cần phải duy trì sự chú ý hoặc các cố gắng tinh thần hoặc trong các tình huống không có tính mới lạ hoặc lôi cuốn (ví dụ: lắng nghe giáo viên giảng bài, làm các nhiệm vụ được phân công trong lớp học, nghe hoặc đọc những bài viết quá dài, hoặc làm các công việc đơn điệu, lập đi lập lại). Những dấu hiệu của rối loạn này có thể ít biểu hiện hoặc không có ở những trẻ được kiểm soát chặt chẽ, hoặc trong một môi trường mới mẻ, tham gia trong những hoạt động đặc biệt lý thú, trong tình huống tiếp xúc “một-một” (như trong phòng khám của bác sĩ), hoặc khi đương sự trải nghiệm được những khen thưởng thường xuyên do làm được những hành vi thích đáng. Các triệu chứng thường dễ xảy ra hơn trong những tình huống ở trong nhóm (ví dụ: trong các nhóm chơi, trong lớp học, trong môi trường làm việc). Vì vậy, nên thẩm tra về những hành vi của trẻ trong nhiều tình huống khác nhau trong từng môi trường sống.
Nguyên nhân của rối loạn tăng động giảm chú ý của trẻ
Nguyên nhân của rối loạn cho đến nay vẫn chưa được biết rõ. Các bằng chứng đã cho thấy rằng một nguyên nhân duy nhất không thể giải thích được cho rối loạn này.
- Trước tiên, rối loạn có thể biểu hiện với sự tổn thương sinh học hay loạn chức năng hệ thần kinh trung ương. Những biểu hiện của loạn chức năng theo giả thiết này là những khó khăn trong việc kiểm tra sự tự điều chỉnh, tổ chức quá trình thông tin, sự chú ý, sự phản ứng xã hội và sự kiềm chế thích hợp (Douglas - 1983, Cohalen - 1989). Tuy nhiên, tổn thương não  trước, trong và sau khi sinh không được chứng minh là có liên quan đến rối loạn này.
- Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ của rối loạn nhân cách chống xã hội, chứng nghiện rượu, lạm dụng ma tuý ở bố và rối loạn phân ly ở mẹ của trẻ rối nhiễu tăng động giảm chú ý không liên quan trong việc phân biệt những trẻ có và không kèm theo các vi phạm về đạo đức. August và Steward (1983) thì cho rằng những rối loạn ở bố mẹ được kể ở trên đi kèm với rỗi nhiễu tăng động giảm chú ý chỉ khi hội chứng cùng xảy ra với những rối loạn khác. Tuy vậy,  bố của trẻ rối nhiễu tăng động giảm chú ý thường cũng có biểu hiện tương tự hoặc đã có trong thời thơ ấu. Điều này gợi ý là có yếu tố di truyền, Zametkin và Rapopoit thì cho rằng chức năng catecholamine và sự điều tiết của nó rất có khả năng liên quan đến nguyên nhân gây bệnh và điều trị ADHD. Một số nghiên cứu lại phát hiện ở trẻ rối nhiễu tăng động giảm chú ý methylphenidate và dextroamphetamine gây ra việc tiết nhanh nhiều các hóc môn tăng trưởng.
- Thomson và cộng sự (1989) đã phát hiện  mức  chì trong máu cao có khả năng gây các vấn đề về hành vi và nhận thức ở trẻ.
- Một số nghiên cứu gần đây sử dụng kỷ thuật chụp cắt lớp có đồng vị phóng xạ (PET) đã chứng minh được những thay đổi về phát triển trong suốt thời thơ ấu và vị thành niên  theo mật độ của thụ thể dopamine, lượng máu não và sử dụng glucose ở thùy trán.
- Nhiều  nghiên cứu  cũng đã  quan tâm đến các yếu tố tâm lý xã hội. Một số báo cáo chỉ ra sự liên quan giữa stress gia đình và địa vị kinh tế xã hội thấp với tỷ lệ mắc rối nhiễu tăng động, giảm chú ý. Sự hiện diện của tình trạng dễ bị thương tổn sinh học cùng với sự gia tăng ly hôn, bố mẹ làm việc suốt ngày, bố mẹ và thầy cô giáo ít quan tâm chăm sóc có thể làm cho trẻ dễ bị rối loạn hơn trẻ bình thường.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy một số yếu tố có ảnh hưởng rõ rệt đến rối loạn này.
Di truyền:
+ Trên các cặp sinh đôi cùng trứng nếu một trẻ bị thì nguy cơ mắc rối loạn này của trẻ còn lại lên đến khoảng 80 - 90%.
+ Nếu một người bố hoặc mẹ bị mắc thì nguy cơ con của họ, mắc rối loạn này là khoảng 50%. Nếu trẻ có anh chị mắc rối loạn này thì nguy cơ bị mắc là 15 - 25%.
Những bất thường hoặc những tổn thương não bộ:
Các nghiên cứu cũng nhận thấy tỷ lệ rối loạn giảm chú ý, tăng động tăng cao ở những trẻ bị viêm não màng não, chấn thương não bộ trong quá trình sinh nở, ngạt sau sinh, những trẻ sinh thiếu tháng v.v…
Môi trường:
Trong thời kỳ mang thai người mẹ bị ngộ độc chì, thuốc diệt côn trùng, hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng ma tuý…có vai trò ở khoảng 10 - 15% các trường hợp mắc rối loạn giảm chú ý, tăng động.
Tóm lại, sự dễ tổn thương sinh học và các yếu tố tâm lý xã hội, môi trường cùng tương tác để tạo ra nguyên nhân, tính phức tạp và hậu quả của rối loạn.
 
4.        Các phương pháp can thiệp với trẻ em tăng động giảm chú ý
Tiêu chuẩn chẩn đoán tình trạng rối nhiễu tăng động giảm chú ý
A. Có tiêu chuẩn (1) hoặc (2)
(1) Trong số các triệu chứng giảm chú ý sau đây, có ít nhất 6 triệu chứng tồn tại trong thời gian ít nhất là 6 tháng, đến độ không thích nghi và không phù hợp với trình độ phát triển:
Giảm chú ý:
(a) Thường không thể tập trung chú ý nhiều vào các chi tiết hoặc phạm phải những lỗi lầm do bất cẩn trong học tập, làm việc hoặc trong các hoạt động khác.
(b) Thường khó khăn trong việc duy trì khả năng chú ý trong công việc hoặc trong vui chơi.
(c) Thường có vẻ không lắng nghe người khác nói chuyện trực tiếp.
(d) Thường không tuân theo những hướng dẫn hoặc không thể hoàn tất bài vở ở trường, công việc nhà, hoặc các trách nhiệm nơi làm việc (không phải do hành vi chống đối hoặc không có khả năng hiểu những hướng dẫn).
(e) Thường khó khăn khi tổ chức các công việc và các hoạt động.
(f) Thường né tránh, không thích, hoặc miễn cưỡng tham gia các công việc đòi hỏi sự cố gắng tinh thần liên tục (như làm bài tập ở trường hoặc bài tập về nhà).
(g) Thường để thất lạc những vật dụng cần để làm việc hoặc vui chơi (đồ chơi, dụng cụ học tập, bút chì, sách vở, và các dụng cụ).
(h) Thường dễ dàng bị chia trí bởi các kích thích bên ngoài.
(i) Thường quên làm các công việc hằng ngày.
(2) Trong số các triệu chứng tăng động - bồng bột sau đây, có ít nhất 6 triệu chứng tồn tại trong thời gian ít nhất là 6 tháng, đến độ không thích nghi và không phù hợp với trình độ phát triển:
Tăng động:
(a) Tay chân ngọ nguậy, ngồi không yên.
(b) Thường rời bỏ chỗ ngồi trong lớp học hoặc trong các tình huống đòi hỏi phải ngồi yên.
(c) Thường chạy nhảy hoặc leo trèo quá mức trong những tình huống không thích hợp (ở thiếu niên và người lớn, điều này có thể giới hạn ở mức đương sự có cảm giác bồn chồn chủ quan).
(d) Thường khó tham gia những trò chơi hoặc hoạt động giải trí cần phải giữ yên lặng.
(e) Thường luôn di chuyển hoặc hành động như thể “đang lái môtô”.
(f) Thường nói quá nhiều.
Bồng bột:
(a) Thường buột miệng trả lời khi người khác chưa hỏi xong.
(b) Thường khó chờ đợi đến phiên mình.
(c) Thường làm gián đoạn hoặc quấy rầy người khác (xen vào các cuộc nói chuyện hoặc các trò chơi).
B. Một số triệu chứng tăng động, bồng bột hoặc triệu chứng giảm chú ý gây ra suy giảm chức năng được thấy hiện diện trước 7 tuổi.
C. Tình trạng giảm chức năng do các triệu chứng này được thấy hiện diện trong ít nhất 2 môi trường khác nhau (ở trường, ở nơi làm việc, hoặc ở nhà).
D. Phải có bằng chứng rõ ràng về tình trạng suy giảm chức năng đáng kể về lâm sàng được.
Phương pháp can thiệp với những trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý
Dùng thuốc:
- Methylphenidate (Ritalin), Dextroamphetamine (Dexedrin):
+  Nên bắt đầu với liều lượng thấp nhất và điều chỉnh dần cho phù hợp với hiệu lực lâm sàng và sự dung nạp thuốc. 
+  Mục đích nhắm tới bao gồm giải quyết xung động, giảm tập trung, khó hoàn thành công việc, tăng hoạt động và giảm chú ý.
+ Lưu ý không uống thuốc gần lúc đi ngủ vì thuốc có thể gây mất ngủ.
- Thuốc chống trầm cảm SSRI (Venlafaxine…), thuốc chống trầm cảm ba vòng (Imipramine, Nortriptyline…) được sử dụng khi có lo âu, trầm cảm. An thần kinh cũng có thể dùng để làm giảm bớt hoạt động nhưng chú ý đề phòng gây an dịu quá mức.
Can thiệp về hoạt động và điều hòa cảm xúc:
- Do trẻ có ngưỡng đáp ứng quá mức hoặc dưới mức đối với những kích thích của môi trường thông qua 5 giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác), hệ tiền đình và cơ khớp, vì thế nên cần tập cho trẻ những bài tập vận động thô, vận động tinh, tác động vào cảm giác có tác dụng làm cho trẻ nhận cảm kich thích từ môi trường đúng mức, đáp ứng hành vi phù hợp, giảm tăng động và giảm xung động.
- Một số vận động thô có tác động điều hòa tiền đình và sự cảm nhận cơ thể được tập luyện dưới dạng trò chơi vận động nhằm tạo hứng thú cho trẻ như: đi bộ, cầu trượt, thú nhún, bập bênh, lăn người, chui ống… theo nguyên tắc chơi tương tác, chơi lần lượt theo nhóm nhỏ và nhóm lớn.
- Vận động tinh là những động tác của các ngón tay, phối hợp tay và mắt. Những bài tập loại này là cho trẻ vẽ, tô màu, xếp hình, xếp tháp, xâu hạt, nhặt đồ vật nhỏ, nặn, xé giấy, cắt giấy, dán…giúp cho trẻ phát triển nhận biết, quan sát, học hỏi và thành thục vận động.
- Điều hòa giác quan cho trẻ thông qua những bài tập động tác vào da như chải, lăn bóng gai, kiến bò, mát xa sâu, đạp chân vào bàn lăn có mấu, nắm trong tay những vật cứng mềm khác nhau, sờ vào bề mặt có độ trơn nhẵn hoặc xù xì khác nhau; tác động vào thị giác như cho trẻ xem tranh ảnh, học giao tiếp bằng tranh…; tác động vào thính giác như cho trẻ nghe nhạc hoặc những âm thanh cao thấp khác nhau. Khi trẻ kích động có thể dùng tay ôm ghì trẻ cũng làm cho trẻ dịu đi. Nếu trẻ tăng nhạy cảm thì nên giảm ngưỡng tác động như làm cho ánh sáng dịu đi, âm thanh nhỏ đi, tránh ồn ào kích thích, tập cho trẻ một cách từ từ và nhẹ nhàng.
- Trẻ rất cần có cảm giác quen thuộc an toàn và cảm giác ấy chỉ có được khi mọi thứ xung quanh rõ ràng đối với trẻ. Vì vậy môi trường nơi trẻ sống và nới dạy trẻ cần phải được bố trí ổn định và có cấu trúc rõ ràng, ví dụ sắp xếp rõ ràng nơi cho vận động, nơi cho ngồi học. Những thứ trẻ thường sử dụng nên ngăn nắp trật tự, vừa tầm tay để trẻ dễ dàng lấy ra được và trẻ lại cất đúng nơi sau khi đã hoàn thành. Thứ tự công việc mà ta làm với trẻ cũng phải nói hoặc ra hiệu cho trẻ biết trước trẻ mới không cảm thấy bối rối.
Một số lưu ý khi can thiệp cho trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý
- Hướng dẫn ngắn gọn, đơn giản.
- Không cố ép trẻ bằng việc kéo dài thời gian học, dạy các bài mới, phức tạp vào đầu giờ học khi trẻ còn tỉnh táo, tập trung.
- Yêu cầu phù hợp với trẻ, không yêu cầu trẻ ngồi quá lâu (khi trẻ chưa đạt được); luôn nhớ rằng trẻ phải cố gắng rất nhiều để ngồi yên. Như vậy trẻ có thể không đủ năng lượng để học bài, do đó hãy cho phép trẻ có một chút biểu hiện bồn chồn, nhấp nhổm.
- Phần quan trọng của các hướng dẫn được truyền đạt tới trẻ theo cách một cô một trẻ, hoặc trong một nhóm nhỏ.
- Khích lệ, phần thưởng được đưa ra ngay lập tức để củng cố cho một hành vi được mong đợi.
- Đa dạng hóa các hoạt động nhưng các hoạt động vẫn phải hướng tới một mục tiêu mà trẻ đã được biết.
- Tăng sự tập trung bằng cách bắt đầu bằng những khoảng thời gian học ngắn sau đó tăng dần lên.
- Sắp xếp phòng theo các hoạt động hàng ngày hoặc theo một trình tự nhất định, trẻ sẽ cảm thấy yên tâm và thoải mái hơn nếu được biết trước cái gì sẽ diễn ra tiếp theo.
- Nhắc hoặc áp dụng một cách thức tiếp cận nhất quán (không thay đổi) để giúp trẻ bắt đầu một công việc.
- Sử dụng hình ảnh để giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn.
- Tạo cho trẻ môi trường học an toàn và thoải mái. Các trải nghiệm phải đạt được một cách tự nhiên không phải bằng cách đe dọa, ép buộc.
- Loại bỏ các đồ vật gây sự xao nhãng ở trẻ.
- Cho trẻ có những khoảng thời gian chơi tự do, không phải lúc nào cũng kiểm soát trẻ.
- Can thiệp theo chương trình nhấn mạnh vào việc phát triển khả năng xã hội tương ứng với cá nhân trẻ.
- Tập trung dạy các phần độc lập, riêng lẻ trước khi dạy toàn bộ một kỹ năng.
- Các lời giải thích phải chính xác và ngắn gọn
- Khi giải thích bằng lời cho trẻ cần lưu ý mức độ nghe hiểu ngôn ngữ bằng lời của trẻ tại thời điểm đó.
- Nhấn mạnh vào ngôn ngữ và hoạt động phát sinh trong khi thực hiện các hoạt động.
- Các lệnh đưa ra phải ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu. Sau khi ra lệnh chờ hồi đáp của trẻ, cho trẻ thời gian cần thiết để nghĩ trước khi hồi đáp.
- Bố trí khoảng không gian yên tĩnh để trẻ có thể học và làm bài tập cá nhân.
- Những hướng dẫn bằng lời phải rõ ràng, phát âm giọng chuẩn.
- Yêu cầu trẻ nhắc lại hướng dẫn trước khi trẻ thực hiện công việc để chắc chắn rằng trẻ đã nghe rõ hướng dẫn.
- Thay đổi vị trí để bàn học xung quanh phòng.
- Sử dụng băng dính dưới sàn hoặc thảm trải sàn dể chỉ dẫn cho ngồi cho trẻ.
- Thay đổi các hoạt động trước khi trẻ thấy chán.
 
 

Tin liên quan
Tự kỷ là gì, nguyên nhân và phân loại các dạng tự kỷ
Trầm cảm là gì?
Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ và những phương pháp can thiệp đối với trẻ
Câu hỏi: Rối nhiễu tâm trí là gì?
Câu hỏi: Những nguyên nhân và các vấn đề liên quan đến rối nhiễu tâm trí, bệnh tâm thần ở trẻ em?
Câu hỏi: Hậu quả của rối nhiễu tâm trí đối với trẻ em?
Câu hỏi: Tại sao cần có người chăm sóc trẻ trong hoạt động chăm sóc, nhận biết và phòng tránh rối nhiễu tâm trí ở trẻ em
Câu hỏi: Sự phát triển tâm lý của trẻ từ 12 đến 24 tháng tuổi
Câu hỏi: Sự phát triển tâm lý trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi?
Câu hỏi: Sự phát triển tâ, lý trẻ từ 3 đến 4 tuổi?
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website
Bản đồ