Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh: Không thể chậm trễ

 
Theo số liệu từ Chi cục DS-KHHGĐ, năm 2011, tỷ số giới tính khi sinh của Quảng Ninh là 115 (tức là trẻ nam/100 trẻ nữ), nằm trong số 10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh mất cân bằng cao nhất cả nước. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do quan niệm “trọng nam” vẫn còn ăn sâu vào ý thức, tâm lý của người dân.

Theo số liệu từ Chi cục DS-KHHGĐ, năm 2011, tỷ số giới tính khi sinh của Quảng Ninh là 115 (tức là trẻ nam/100 trẻ nữ), nằm trong số 10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh mất cân bằng cao nhất cả nước. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do quan niệm “trọng nam” vẫn còn ăn sâu vào ý thức, tâm lý của người dân.
Trên thực tế, rất nhiều cặp vợ chồng đã tìm đến các dịch vụ y tế tiên tiến để lựa chọn giới tính khi sinh ngay từ trước khi có thai như: Lựa chọn tinh trùng, xét nghiệm máu, gen, dịch âm đạo, tế bào, siêu âm trứng... Hay một số phương pháp khác như chế độ ăn uống, các bài thuốc gia truyền được cho là có thể sinh được con trai của một số dân tộc thiểu số. Những phương pháp này đều chưa được một nghiên cứu chính thức nào khẳng định, chứng minh nhưng sự trùng hợp ngẫu nhiên ở vài trường hợp đã khiến không ít các cặp vợ chồng tin tưởng làm theo. Một yếu tố nữa để có thể lựa chọn giới tính thai nhi là nhờ vào dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính. Qua đó, các cặp vợ chồng sẽ được lựa chọn giới tính của con cái theo mong muốn của mình. Tuy tỉnh đã quán triệt các cơ sở y tế không được thông báo giới tính thai nhi. Thế nhưng thực tế nhiều cơ sở vẫn “lách luật”, việc sản phụ biết được giới tính thai nhi của mình là điều khá dễ dàng.

Trước thực trạng đáng báo động này, năm 2011, mô hình Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh được triển khai ở 31 xã thuộc 6 huyện đó là Bình Liêu, Ba Chẽ, Hoành Bồ, Đông Triều, Đầm Hà và TP Móng Cái. Đây là những địa phương có tỷ số giới tính khi sinh mất cân bằng cao liên tục trong nhiều năm. Thực hiện mô hình này, các địa phương đã tích cực tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi; thực trạng và tác hại của mất cân bằng giới tính khi sinh cùng các biện pháp ngăn chặn, lựa chọn giới tính. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến giới tính tại các cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, xét nghiệm (máu, gen, nước ối, tế bào), phá thai qua các tờ rơi, băng zôn, khẩu hiệu.

 
Bên cạnh đó, tại các huyện, thị xã, thành phố được triển khai thực hiện mô hình, Chi cục DS-KHHGĐ phối hợp với Trung tâm DS-KHHGĐ của địa phương cũng tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo, hội nghị tuyên truyền Pháp lệnh dân số, Nghị định số 20/2010/NĐ-CP về Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi điều 10 của Pháp lệnh dân số; những kinh nghiệm trong sản xuất, xây dựng gia đình văn hoá của phụ nữ sinh con một bề, không sinh con thứ 3 tại địa phương… Không chỉ vậy, để tăng tính hiệu quả của mô hình, các địa phương này còn tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng dân cư. Cụ thể: TP Móng Cái tổ chức 22 buổi, thu hút 1.060 người tham gia; Bình Liêu tổ chức 10 buổi với 500 người tham gia; Ba Chẽ tổ chức 5 buổi với 350 người tham gia... Đồng thời, các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân trên địa bàn cũng thành lập và duy trì sinh hoạt câu lạc bộ cho các đối tượng là các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ...

Đồng chí Vũ Thị Hạnh, Trưởng phòng DS-KHHGĐ, Chi cục DS-KHHGĐ cho biết: “Việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh không phải là việc có thể làm một sớm một chiều. Mục tiêu của tỉnh đề ra đến năm 2015 tỷ số giới tính khi sinh dưới mức 113 và dưới mức 110 vào năm 2020. Để thực hiện được điều này, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục trong toàn xã hội về DS-KHHGĐ với những hình thức, nội dung phù hợp với từng nhóm đội tượng...”.

Được biết, ngay từ đầu năm, tỉnh đã liên tục cập nhật, cung cấp thông tin về tình hình, hậu quả, giải pháp khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đến các ngành, các cấp và mọi tầng lớp dân cư. Đồng thời, các ngành chức năng cũng đề xuất với UBND tỉnh ban hành các quy định, chính sách kinh tế - xã hội ưu tiên quan tâm tới những gia đình sinh con một bề là gái; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của Pháp lệnh dân số…

Có thể thấy, đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh là một trong những chỉ tiêu rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng DS-KHHGĐ. Bên cạnh những nỗ lực của ngành Dân số, rất cần đến sự quan tâm hơn nữa của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, coi đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Và điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của từng người dân trong việc quyết định sinh con tự nhiên.

Tin liên quan
Người hàn gắn yêu thương
Tâm lý lứa tuổi học sinh THCS
PHÁT TRIỂN TÂM LÝ CỦA TRẺ 6 ĐẾN 11 TUỔI
Tâm lý trẻ lên 6
Tâm lý trẻ 5 tuổi, những điều bố mẹ nên biết
Tâm lý trẻ em ở tuổi ấu nhi (1 đến 3 tuổi)
Các tiêu chuẩn chẩn đoán trẻ mắc tự kỷ
Các vấn đề về rối loạn lo âu
Các vấn đề về trầm cảm
Chậm phát triển trí tuệ là gì, phân loại và những khó khăn mà trẻ gặp phải khi chậm phát triển trí tuệ
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website
Bản đồ