Đừng đánh cắp tuổi thơ của các em

 
Mặc dù việc dạy chữ cho trẻ em trước khi vào lớp 1 được khẳng định là phản khoa học và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có qui định cấm từ mấy năm nay, nhưng gần đây ở các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội vẫn nở rộ những lớp dạy chữ, kể cả dạy toán cho trẻ 5 tuổi.

Nguyên nhân có nhiều và cái này vừa là hậu quả vừa là tiền đề của cái kia. Chỉ có trẻ em là thiệt thòi. Có người gọi đó là sự đánh cắp tuổi thơ, nhưng khó lường hơn là những tác động vào tư duy và nhân cách của các em về sau này.
Các nhà giáo dục và cả thực tiễn đã chỉ rõ rằng, việc áp đặt quá sớm chữ viết và con số đối với trẻ 5 tuổi có thể gây áp lực lên bán cầu não trái làm các em mất hứng thú học tập. Vậy nên, chương trình giáo dục ở lớp mẫu giáo lớn cũng chỉ cho các em làm quen với chữ viết và con số thông qua hình thức tô vẽ mà thôi. Tình trạng dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 từng rộ lên từ gần chục năm trước, sau đó ngành giáo dục đã có qui định cụ thể cấm việc làm phản khoa học này. Nhiều gia đình hồi đó đua nhau cho con đi học chữ sớm thì đến giờ cũng đã có kinh nghiệm rồi. Thực tiễn cho thấy, việc dạy chữ cho các em quá sớm chẳng những không làm cho các em giỏi giang nhanh nhẹn hơn, mà ngược lại, càng về sau các em càng trì trệ và dần dần tụt hậu. Thế nhưng, không ít gia đình dù đã nhận thấy sai lầm mà bây giờ vẫn cho con em tiếp tục đi học chữ sớm. Rõ ràng có điều gì đó khiến họ chấp nhận sai lầm thêm lần nữa. Điều đó, nói thẳng ra là tệ nạn "chạy trường, chạy lớp”.
Ngành giáo dục năm nào cũng hô quyết tâm chống tệ nạn này, nhưng tất cả các giải pháp đưa ra đều bị phụ huynh "lách” và "chạy”. Từ việc chạy hộ khẩu cho đến chạy mối quan hệ. Nhiều phụ huynh còn đặt vấn đề ngay từ trước một năm với hiệu trưởng, rồi thường xuyên đóng góp xây dựng nhà trường để sau này dễ xin học cho con mình. Bản thân nhà trường cũng muốn có nhiều học sinh trái tuyến, coi đó như một thứ chứng chỉ về chất lượng và uy tín. Tâm lí xã hội là vậy, nên các bậc phụ huynh đua nhau xin cho con vào trường tốt, vào lớp chọn, có người chỉ vì hám danh, ganh tỵ với bạn bè đồng nghiệp theo kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy”. Có người nghe nói cho con đến nơi nọ nơi kia học chữ sẽ gặp được "mối chạy” vào trường này trường khác, hoặc nếu đi học đúng tuyến cũng chọn được lớp tốt hơn. Dù nguyên nhân từ sự ganh đua của phụ huynh hay bệnh thành tích của ngành giáo dục thì cái này cũng vừa là hậu quả vừa là tiền đề của cái kia. Đây thực sự là cuộc cạnh tranh gay gắt của người lớn, chẳng biết ai được ai thua nhưng chỉ có trẻ em là khổ mà thôi. Có người gọi đó là sự đánh cắp tuổi thơ, nhưng khó lường hơn là những tác động vào tư duy và nhân cách của các em về sau này. Nhiều em quen dựa dẫm dẫn tới chủ quan, lười suy nghĩ, khi không còn người nâng đỡ nữa sẽ thấy hụt hẫng, học hành sa sút, thậm chí chán học, bỏ học. Về quan hệ giao tiếp, không ít em trở nên ích kỉ, tự cô lập bản thân, và còn nhiều hậu quả khác nữa,...
Ai đánh cắp tuổi thơ và sự hồn nhiên trong sáng của các em ? Câu hỏi này thiết nghĩ những người làm cha mẹ ai cũng tự trả lời được. Chỉ có điều xin cùng trao đổi với các bậc phụ huynh và ngành giáo dục, đó là cần tôn trọng quyền được học tập và vui chơi của các em. 5 tuổi, các em có thể tiếp thu kiến thức và hình thành kĩ năng từ nhiều hoạt động khác nhau. Học mà chơi – chơi mà học còn giúp các em rèn luyện tư duy, năng lực giao tiếp, cách thức tổ chức, hợp tác trong hoạt động tập thể. Về phía ngành giáo dục cần sắp xếp chương trình hợp lý hơn, để các thầy giáo cô giáo chủ động hơn trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh, đồng thời cần dành nhiều thời gian cho các hoạt động ngoại khóa. Còn học theo kiểu để "chạy trường lớp” như vừa kể là các em "bị học tập” chứ không phải là "được học tập”. Các em còn học cả đời. Chín ép không bao giờ tốt đẹp bằng chín tự nhiên.
                                                                                                                                                Theo Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em

Tin liên quan
Tháng hành động vì trẻ em tỉnh Quảng Ninh năm 2012: “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”
Văn phòng tiếp cận cộng đồng Vạn Hoa (Vân Đồn): Nỗ lực vượt khó
Vai trò của “cây cao bóng cả” ở Quảng Yên
Thực trạng mại dâm hiện nay: Vẫn còn nhiều phức tạp
Những chuyện buồn sau cánh cổng trường
Tai nạn thương tích trẻ em: Chưa đến hè đã nhức nhối
Ở nơi người nghiện “tái sinh”
Quảng Ninh: Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè
Ký kết tài trợ cho Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam
Triển khai nhân rộng mô hình can thiệp PCBLGĐ
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website
Bản đồ