Hạ Long: Nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình

 
Bắt đầu triển khai từ năm 2008, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đã mang lại những thành công nhất định cho công tác phòng chống bạo lực gia đình của TP Hạ Long; trong đó, hiệu quả nhất là việc nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân về vấn đề này. Trên cơ sở đó, năm 2011, thành phố đã tiếp tục nhân rộng mô hình.

Mô hình đã được triển khai ở 20 phường trên địa bàn thành phố. Ngay từ khi triển khai mô hình, Phòng Văn hoá - Thông tin thành phố phối hợp với Hội Phụ nữ các phường tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo tích cực các chương trình, hoạt động phòng chống bạo lực gia đình. Đồng thời, để trau dồi thêm kiến thức với những cán bộ lâu năm, cũng như cung cấp kiến thức, kỹ năng tư vấn hoà giải, truyền thông với những cán bộ mới, thành phố cũng tổ chức buổi tập huấn thường xuyên (mỗi năm/lần) cho cán bộ Hội Phụ nữ các phường, cán bộ khu phố, cán bộ văn hoá... Đồng chí Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin thành phố cho biết: “Việc tiếp cận với các đối tượng bạo lực gia đình là không hề đơn giản. Để phát hiện những hộ gia đình có biểu hiện bạo lực thân thể thì dễ nhưng với bạo lực tinh thần thì việc nắm bắt lại rất khó. Nhiều cặp vợ chồng tuy “chiến tranh lạnh” một thời gian dài nhưng không hề để lộ ra. Nếu không có kinh nghiệm mà những buổi tập huấn mang lại thì cán bộ tư vấn, hoà giải ở các phường, các khu phố sẽ rất khó xử lý...”.

Bên cạnh đó, để người dân chủ động nắm bắt các chương trình cụ thể cũng như hiệu quả mà mô hình mang lại thì thành phố cũng chú trọng tới công tác truyền thông. Ngoài việc phát hành in ấn tờ rơi, ở 20 phường đều tổ chức truyền thông tại cộng đồng; lồng ghép trong các buổi họp thôn, tổ dân, khu phố, các tổ chức đoàn thể; tuyên truyền kịp thời trên loa phát thanh của phường với các nội dung như trang bị kiến thức phòng chống bạo lực gia đình, các buổi sinh hoạt của mô hình, các vụ việc liên quan đến vấn đề này trên địa bàn cư trú... Trong năm 2011, trên loa truyền thanh của các phường, các cơ quan đã tuyên truyền 150 buổi tới 152.600 người; tổ chức 50 buổi họp thôn, tổ dân, khu phố... thu hút 35.000 người tham gia. Không chỉ vậy, thực hiện mô hình này, tất cả các phường đều tổ chức tư vấn, hoà giải tới từng gia đình, với những hộ có dấu hiệu bạo lực gia đình thì cán bộ phụ nữ sẽ theo dõi sát sao để nắm bắt tình hình cụ thể. Chỉ riêng trong năm 2011, thành phố đã tổ chức hoà giải được 20 vụ bạo lực gia đình; thành lập 7 tổ tư vấn cho 4 người gây bạo lực, 5 nạn nhân bị bạo lực. Đặc biệt, để mô hình được thực hiện có chiều sâu thì tại 5 phường: Cao Thắng, Cao Xanh, Yết Kiêu, Hồng Gai, Bạch Đằng đã thành lập 5 câu lạc bộ (CLB) mang tên phòng chống bạo lực gia đình (mỗi CLB có 5 thành viên trong ban chủ nhiệm). Do được sinh hoạt riêng, thường xuyên chủ động nên các CLB đã phát huy được tính hiệu quả. Tuỳ thuộc vào điều kiện sinh hoạt từng phường, trung bình mỗi CLB sinh hoạt 1 lần/tháng. Mỗi buổi sinh hoạt kéo dài khoảng 45 phút, thu hút từ 15-20 người. Cô Nguyễn Thị Liên, 52 tuổi, Chi Hội Trưởng Chi hội Phụ nữ khu 1, phường Hồng Gai cho biết: “Chúng tôi làm công việc này bằng sự tâm huyết là chính. Sự hoà giải, yên ấm của các cặp vợ chồng chính là điều mong mỏi không chỉ riêng chúng tôi - những người trong ban chủ nhiệm mà còn là niềm vui của toàn khu phố”. Để dẫn chứng, cô Quý kể cho chúng tôi câu chuyện về gia đình anh Trần Minh H, tổ 6, khu 1, phường Hồng Gai: “Khi biết tin anh H có dấu hiệu bạo lực với vợ, chúng tôi có đến song việc tiếp cận với vợ chồng H rất khó khăn, lúc đầu vì sợ chồng nên vợ H cũng không dám mở cửa cho chúng tôi vào can thiệp. Thế nhưng nhờ kiên trì, thuyết phục, nên chúng tôi cũng nói chuyện, hoà giải được hiểu lầm, cũng như có thái độ răn đe với H. Từ đó đến nay, hai vợ chồng đã hoà thuận. Và chúng tôi vẫn luôn luôn theo dõi sát sao...”.

Có thể thấy, mô hình đã và đang đem lại những hiệu quả rất thiết thực với gia đình và xã hội trên địa bàn. Mặc dù không được hỗ trợ chi phí để duy trì, song tại các phường trên địa bàn tự huy động nguồn xã hội hoá để thực hiện, triển khai các hoạt động. Được biết, vào ngày 16-5 tới đây, thành phố sẽ triển khai Hội nghị nhân rộng mô hình này. Hy vọng sẽ có thêm nhiều CLB phòng chống bạo lực gia đình được thành lập trên địa bàn để việc sinh hoạt được thường xuyên, đồng bộ hơn. Tuy vậy, ngoài sự nhiệt tình của những người thực hiện mô hình, rất cần sự quan tâm của các ngành, các cấp trong việc đầu tư kinh phí, hỗ trợ cơ sở vật chất để mô hình được triển khai thuận lợi, tích cực hơn trong thời gian tới.


Tin liên quan
Báo động nạn đuối nước với trẻ em
Đừng đánh cắp tuổi thơ của các em
Tháng hành động vì trẻ em tỉnh Quảng Ninh năm 2012: “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”
Văn phòng tiếp cận cộng đồng Vạn Hoa (Vân Đồn): Nỗ lực vượt khó
Vai trò của “cây cao bóng cả” ở Quảng Yên
Thực trạng mại dâm hiện nay: Vẫn còn nhiều phức tạp
Những chuyện buồn sau cánh cổng trường
Tai nạn thương tích trẻ em: Chưa đến hè đã nhức nhối
Ở nơi người nghiện “tái sinh”
Quảng Ninh: Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè
Thư viện ảnh
Liên kết
Thông kê truy cập
Click to see detail of visits and stats for this site
Đánh giá website
Bản đồ